Buổi sáng, bước ra cửa, bà chị cứ rên rỉ vì giá cả tự nhiên tăng vọt, thì xăng mới lên giá gần 5000 đồng ngày hôm qua kia mà ! Bà chị đáng thương vô cùng, đi chợ thì ráng đi thật sớm, từ 6g sáng tinh mơ, hỏi đi chi sớm vậy, vì chợ sớm mới có hàng tươi mà giá cả lại rẻ, chợ trưa thì hàng kém ngon mà giá lại mắc. Cắc củm từng đồng, cân đong đo đếm từng hạt gạo lọ muối, nhưng chị ít khi bao giờ mua sắm gì cho bản thân mình, chỉ lo cho các em, em lớn cả thì lại tiếp tục lo cho cháu. Không một lời thở than, không một lời trách móc, ai đối xử tệ bạc với chị thì chỉ ôm mặt khóc, nhưng kẻ đó thì phải cắn rứt lương tâm sau này.
Ngày Mẹ tôi qua đời, chị không dám mở miệng hỏi tiền của tôi để lo cho Mẹ mồ yên mã đẹp, chỉ nói 1 câu rất nhẹ, em tính sao cho mẹ ? Tôi bảo, chị cứ lo hết mọi chi phí, tôi gánh được, dù tốn kém ra sao cũng được, miễn là mẹ được mồ yên mã đẹp, chị hỏi thêm, nếu ai phụ giúp thì sao ? Tôi nói không cần ai cả, ngày Mẹ nằm liệt 1 chỗ có ai quan tâm, bây giờ Mẹ xuôi tay nhắm mắt thì nhỏ lệ làm gì , tôi gánh hết, chị em mình gồng gánh hết. Gần 10 năm trời, khi mẹ bị tai biến và nằm 1 chỗ, tôi chỉ biết chạy hết sức mình để cung ứng về vật chất lo thang thuốc, bồi bổ cho mẹ, còn các chị thì quá nặng nề, từ miếng ăn giấc ngủ của mẹ, đến tắm giặt lau rửa, đổ bô đều không nề hà, bà con lối xóm ai cũng khen và cho là mẹ tôi có phước vô cùng. Có thể nói, trong những người già ở xóm, thì mẹ tôi là nguời mà con cái nuôi sạch sẻ thơm tho nhất !
Thì thôi, tôi chỉ biết cùng thở dài với chị , chị hay nói "trời sinh voi, sinh cỏ", một câu nói hết sức AQ ! Những năm đói kém của thời truớc đổi mới, đồ đạc trong nhà cứ dần dần đội nón ra đi. Mỗi ngày chỉ dám ăn 1 bửa tạm vào lúc sáng là mì hay bo bo độn khoai sắn, 1 bửa chính dồn lại ăn cơm, mà phải ăn rất trễ, gần 8g tối mới ăn, ăn trễ để đi ngủ cái bụng nó không réo vì đói mà thôi. Rồi cũng qua, cũng sống và tồn tại được. Giai đoạn này, giá cả cứ tăng vù vù, thì cố gắng thắt lưng buộc bụng lại thôi ! Chắc là tôi phải giảm bớt chi tiêu cá nhân, giảm mua sách mua đĩa, giảm thuốc lá cà phê... để nhín ra đựơc chút nào hay chút đó đưa thêm tiền chợ cho chị lo cho cả nhà .
Buổi chiều, cơn mưa sầm sập ào tới, như bảo như giông. Đã đóng 2 cánh cửa sổ nới góc phòng làm việc rồi, mà gió cũng thổi bật tung ra, mưa tạt vào quất rát cả mặt. Chắc là ông trời nổi giận vì 3 hôm nay quá nóng, nóng như điên, và bù lại thì phải tưong xứng bằng 1 trận mưa giông. Giật mình, vậy trời có biết mưa thế này sẽ làm điêu đứng bà con nghèo của mình như thế nào không ? Mái lá có chống chọi được không ? Nhà tranh có quằn quại hay không ? Có đi về 1 vùng ngoại thành nào đó, thì mới thấy cái tên gọi thành phố vẫn còn rất xót, bà con của mình vẫn còn nghèo lắm. Sài gòn phồn hoa, Sài gòn với nhà cao chọc trời, Sài gòn với kẹ xe lô cốt đào đường... thì đâu đó, ngoại thành bà con mình vẫn còn lam lũ lắm. Có những đứa trẻ chỉ biết cắm mặt mò cua bắt ốc kiếm đồng tiền ít ỏi thêm vào bửa cơm hằng ngày giúp cha mẹ mà chưa hề biết Đầm Sen hay Suối Tiên là gì ! Có những người dân quê mê cải lương nhưng cả 1 đời chỉ biết Bạch Tuyết, Ngọc Giàu qua cái ti vi trắng đen !
Bởi thế, tôi đã dặn mình, tập cho mình thói quen nhìn xuống chân để thấy rằng mình còn hạnh phúc và sung sướng hơn nhiều người lắm. Cái thói quen ấy đã ăn sâu vào trong tôi từ cái năm thi rớt đại học chỉ vì lý lịch, trong khi cái thằng bạn mà mình kèm cho nó học thi chung với nhau thì lại đậu , chỉ vì, nó có cha từ chiến khu trở về, gầm đầu vào mà học, cúi mặt xuống mà đi, tôi tập cho mình thói quen đó từ lâu, rất lâu rồi. Rồi cũng qua, rồi cũng có hai tấm bằng đại học, có được bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình nữa, cả 1 quảng đời thanh xuân hơn 14 năm gầm đầu vào mà học, ban ngày cày kiếm sống, ban đêm cắp sách đến trường... Và tôi thấy trọng lượng của hai tấm bằng đó giá trị hơn nhiều những tấm bằng khác,
Buổi chiều, sau cơn mưa, thành phố đã lên đèn, thành phố ướt sủng nước và dần nhoà nhạt vào bóng đêm. Và tôi vẫn độc hành...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét