Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Đau từ cổ xuống tay

Đau từ cổ xuống tay

TTO - Nếu bạn đau cột sống cổ kèm theo đau, tê lan xuống vai và tay thì có thể nghĩ đến việc bạn bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Cột sống cổ ở người gồm có 7 đốt sống, giữa các đốt sống có các đĩa đệm giúp ổn định cột sống khi di chuyển và giúp nâng đỡ và phân bố lực khi đi lại. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là do đĩa đệm thoái hóa chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Tuy nhiên đây là một bệnh lý thoái hóa nên thường kèm theo tình trạng hình thành các chồi xương (hay còn gọi là gai xương) cũng góp phần làm cho việc chèn ép nặng nề hơn.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường xảy ra ở phần thấp (tầng C5-6 và C6-7, chiếm tỉ lệ trên 80%) gây ra đau cột sống cổ kèm theo đau, tê lan xuống vai và tay theo rễ thần kinh cổ (chèn ép rễ thần kinh cổ). Nặng hơn có thể gây ra yếu tay chân, rối loạn cảm giác và rối loạn tiêu tiểu, chức năng tình dục (chèn ép tủy sống cổ).

Hiện nay phương tiện chủ yếu để chẩn đoán bệnh lý này là chụp MRI cột sống cổ. Tuy nhiên trong một số trường hợp các bác sỹ có thể kết hợp với đo điện thần kinh cơ để xác định chính xác rễ thần kinh bị chèn ép hay chụp CT-Scan đa lát cắt để xác định các chồi xương.

Việc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhằm phục hồi các chức năng thần kinh, hết đau, trả bệnh nhân về với cuộc sống bình thường. Thông thường đối với các bệnh nhân chỉ mới ở giai đoạn đầu (đau cổ, đau tê vai và tay) các bác sĩ sẽ điều trị nội khoa bao gồm: các thuốc giảm đau-kháng viêm, kéo cột sống cổ. Trên 90% bệnh nhân có chèn ép rễ thần kinh cổ cấp tính do thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện với điều trị nội khoa.

Điều trị phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, có yếu hoặc teo cơ và có triệu chứng của chèn ép tủy sống cổ. Tuy nhiên đối với một số người bệnh có thoát vị nhiều tầng trên MRI thì việc quyết định phẫu thuật vào tầng nào là vấn đề hết sức quan trọng cần phải dựa vào tình trạng lâm sàng (mổ theo lâm sàng chứ không phải theo MRI)

Hiện nay việc phẫu thuật bệnh lý này được thực hiện dưới kính hiển vi để lấy đi nhân thoát vị sau đó đặt đĩa đệm hoặc các mảnh ghép nhân tạo vào khoảng đĩa đệm, dùng khoan mài để lấy đi các chồi xương nhằm giải phóng rễ thần kinh và tủy cổ. Nếu lấy nhân đệm trên 2 tầng thì cần bắt nẹp vis để cố định cột sống cổ. Tỉ lệ các biến chứng của cuộc mổ thay đổi từ 0-13% bao gồm: chảy máu sau mổ gây chèn ép tủy sống, tổn thương tủy sống-rễ thần kinh hoặc rách màng tủy (tỉ lệ cao nếu như không mổ dưới kính hiển vi), tổn thương mạch máu vùng cổ hoặc thực quản, khàn tiếng, các biến chứng của mảnh ghép. Biến chứng lâu dài được nhắc đến là sự thoái hóa các tầng kệ cận gây ra thoát vị đĩa đệm về sau.

Kết quả của việc điều trị phẫu thuật bệnh lý này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian bị bệnh, triệu chứng trước mổ (nếu chỉ có chèn ép rễ thì hồi phục tốt hơn có chèn ép tủy sống), bệnh lý kèm theo. Tỉ lệ hồi phục sau mổ thay đổi từ 70-90%. Một số bệnh nhân sẽ có một số khó chịu sau mổ như mỏi cổ, mỏi vai, vướng trong họng, tê hay vẫn còn yếu tay chân. Các khó chịu này sẽ giảm dần theo thời gian.

Ths.BS PHẠM ANH TUẤN
(ĐH Y dược TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG