Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Ngũ đi con

Ngũ đi con

Hai hay ba năm trước, Walk không nhớ rõ, trong đêm nhạc tưởng niệm anh Sơn, Hồng Nhung có hát bài "Ngũ đi con", cũng khá hay, nhưng Walk dị ứng thế nào ấy. Bài hát này mộc, chân chất và tình tự quê hương sâu lắng, nguời Mẹ trong bài hát đã được nhân rộng ra thành Bà-Mẹ-Việt-Nam ; Cho nên không thể nào hát trogn trang phục soiree được, phản cảm vô cùng, ít nhất phải là 1 chiếc áo bà ba, đẹp hơn thì phải là chiếc áo dài, mặc soiree hay quần tây chẳng khác nào cưởng hiếp bài hát. Thêm nữa, Hồng Nhung hát quá đặt nặng kỹ thuật, khúc ngân hò đầu tiên phải hát bằng cả tâm hồn chứ không thể nào dùng kỹ thuật để xử lý bài hát được, và hơi nức nở nữa, Nhung hát "đứa con của mẹ da vàng - trên môi con nở nục cười đấu tranh..." nghe như than khóc, không phải thế, đó là lời tình yêu và tự hào của Mẹ - về những đứa con của mình. Lại còn dựng cảnh cái kiểu như kịch nữa mới thấy chán, Nhung ngồi bẹp trên sân khấu, đèn Spotlight chiếu sáng dần dần, sao thê thảm thế chứ ? Và Nhung ngước mặt mà hát trong cái diễn-cảm-đóng kịch, Walk bực quá, nhíu mày và hực lên 1 tiếng khiến cô bạn ngồi kế bên phải hỏi vì ngở là Walk bệnh. Hát nhạc của anh Sơn thì phải hát bằng cả tâm hồn, mọi kỹ thuật, kỹ xảo đều trở nên tầm thường truớc tầm cao của bài hát, phải hát bằng chính cái tôi cảm nhận được của chính mình thì mới nhập đựơc vào bài hát. Thế là Walk ghét Nhung hát nhạc Trịnh từ đó, ghét vô cùng...

Xem Khánh Ly hát, đơn giản , mộc mạc, hát trong gió lộng, hát trong vĩng hằng của lòng mẹ, Khánh Ly hát như chính mình là nguời mẹ trong bài hát, không kịch, không bi lụy mà vẫn nao lòng nguời nghe, nguời xem... Và, với Walk, chỉ mỗi Khánh Ly hát được bài này và bài Gia Tài của Mẹ mà thôi, Nhung hãy xê ra, đừng tham lam quá mà tự đánh mất chính mình...

Một đời tần tảo thay chồng nuôi con, một đời goá bụa, đó là Mẹ. Mẹ viết hoa của tôi , cái từ thương yêu mà khi Mẹ còn sống, tôi ít khi bày tỏ, có lẻ vì tính tôi ít khi biểu thị tình cảm bằng lời, có gì thí dấu kín trong lòng. Và cũng có lẻ vì tính tôi giống Mẹ, Mẹ chỉ bày tỏ bằng nước mắt khi con mình va vấp lỗi lầm, bằng la rầy trách mắng khi con mình sai sót hay gu dại thua thiệt trogn cuộc sống.

Mẹ tôi, vừa làm Mẹ, vừa làm Cha cho đàn con, gồng gánh cho đến khi các con trưởng thành, đứa lớn dìu đứa bé mà Mẹ vẫn chưa ngơi nghỉ, lúc tuổi già và bệnh tật đổ xuống Mẹ vẫn canh cánh bên lòng đứa nào no, đứa nào đói, con nào nghèo có đủ ăn không , con nào khá có biết giúp đở anh em không ?

Một đời Mẹ tần tảo lo toan, khi các con đã lớn thì Mẹ lại lo tới cháu. Ngày đứa cháu gái về nhà chồng, Mẹ khóc ròng vì phải xa cháu, rồi tới khi nó sinh con, Mẹ lại bắt thằng chắt trai về nuôi với một lý do rất đơn giản là để cho vợ chồng nó rảnh tay đi làm... Mẹ có thể trách mắng la rầy và thậm chí ngất xỉu vì giận một đứa con nào đó gây ra lỗi lầm, nhưng cả đời Mẹ, Mẹ chưa bao giờ yêu cầu các con phải đáp đền về bất cứ điều gì, chưa bao giờ bỏ rơi con trong bất cứ lúc nào. Mẹ có thể chạy vạy gánh nợ để cho anh tôi đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhưng khi trở về, anh tôi làm ngơ với số tiền nợ thì Mẹ chẳng có một lời trách móc, mà chắt bóp để trả nợ cho con. Khi tôi khôn lớn, có khoản tiền nào đó, tôi mua món ngon vật lạ về cho Mẹ dùng, Mẹ lại đem chia đều hết cho con cháu, và nói rất giản dị, Mẹ già rồi làm sao ăn cho hết, con có mua thì mua nhiều nhiều cho cả nhà đều hưởng...

Ngày Mẹ nằm một chỗ vì tai biến, Mẹ cũng không yên lòng với sự chăm sóc của các chị tôi, Mẹ vẫn luôn sốt ruột hỏi han hết đứa con này đến đứa con khác, sao hôm nay không thấy đứa này ghé qua chẳng biết có việc gì không nữa ? Sao hôm qua không thấy vợ đứa kia đi chợ hay là tụi nó hết tiền rồi ...? Ngày giỗ Cha, Mẹ rưng rưng vì không thể dậy được để thắp hương, dặn chị tôi khấn vái sao cho Ba con hiểu mà đừng trách Mẹ...

Có phải tất cả các bà mẹ trên đời đều như thế ? Đôi lúc nào đó, đọc trên báo thấy tin một bà mẹ nào đó bán con ngay sau khi vừa sinh nở, một nguời mẹ nào đó xô con ra lề đường ăn xin để có tiền mà bài bạc... Tôi vẫn bàng hoàng, nghe xót xa truớc những cảnh đời như thế. Sự khốn cùng nào đã xô đẩy họ đòi đoạn với núm ruột của mình như thế ? Sự lạnh lùng nào đã tha hoá nhâncách thiêng liêng mà cuộc đời đã giao cho họ ? Tôi không thể lý giải hay phê phán gì được, mà trong tôi chỉ thấy xót xa, xót xa đến tận cùng.

Tôi có một đứa em, một nguời bạn, không hề biết Mẹ mình là ai, vì em bị bỏ rơi khi vừa mới sinh ra. Em vẫn quý trọng nguời Mẹ thứ hai đã nuôi dưỡng bảo bọc em từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, nhưng em vẫn đau đáu , khát khao , và vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó số phận sẽ mỉm cuời với em nếu ban cho em được niềm hạnh phúc gặp lại nguời đã sinh ra em. Thương quá, thương yêu em, nhưng tôi không biết phải chia xẻ thế nào với em về mất mát quá lớn này của em, và so sánh với em, dù Mẹ tôi nghèo, Mẹ tôi thế nào đi nữa, thì tôi vẫn hạnh phúc vô cùng so với em, nguời chưa một lần biết mặt Mẹ của mình. Nếu Mẹ tôi còn sống, tôi tinrằng Mẹ của tôi sẽ chia xẻ tình thuơng này của Mẹ cho em. Và có lẻ ngày Vu Lan sắp tới, tôi sẽ cài lên áo em một bông hồng trắng, cài lên áo tôi một bông hồng trắng, vì em không có Mẹ và tôi không còn Mẹ.

Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin rằng con nguời luôn hạnh phúc vì thế giới này luôn có những bà mẹ. Chữ Mẹ là mẫu số chung cho nhân loại. Ai cũng chỉ có một Mẹ, nhưng tất cả nhân loại này đều chung một chữ Mẹ. Ai không quý trọng điều này, ai chối bỏ điều này thì sẽ không lớn nỗi thành người *, hoặc chỉ là một nhân cách tàn tật.

Và, viết cho riêng em, tôi tin rằng dù chưa một lần biết mặt nguời đã sinh thành ra mình, tôi vẫn tin Mẹ luôn ở trong tâm hồn em, Mẹ sẽ luôn hiện diện trong từng nhịp đập của trái tim em, Mẹ đang thấp thoáng trong hình ảnh nguời đã nhận em làm con hơn 30 năm qua, Mẹ còn hay mất, không gặp vĩnh viễn hay không biết em đang khát khao gặp Mẹ... thì Mẹ vẫn là Mẹ của em, thì em vẫn luôn hạnh phúc vì có hai bà Mẹ, một người sinh thành ra em mà em chưa biết mặt, một nguời đã duỡng dục em cho đến ngày hôm nay, em nhé...

--------------------------------------------

* Dẫn Ý từ thơ của Đỗ Trung Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG