Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Chuông Vàng - Mùa giải thứ tư !

 

Đã là mùa thứ tư của sân chơi về dòng âm nhạc tài tử của dân mình.

Mùa thứ tư, Chuông Vàng Vọng Cổ hình như đã ít dần đi những tài năng sinh ra từ đất, từ ruộng đồng, từ dòng sông lặng lờ chảy đỏ ngầu phù sa quê mẹ… Những tài năng mà tiếng hát lồng lộng trên cánh đồng bát ngát, tiếng hát theo ánh trăng vàng soi đáy giếng, để thở than ai múc ánh trăng vàng đổ đi, mà tiếc nuối sợi dây dài ai dè giếng cạn !

Nếu bạn nghe đờn ca tài tử trong 1 buổi chiều lộng gió, ngồi quây quần trên manh chiếu củ trải vội, 1 cây guitar phím lỏm, vài xị rượu đế kèm vài món nhắm đơn sơ mà cái nghĩa tình ấm áp bao trùm tất cả. Khi tiếng hát hào sảng cất lên theo sáu câu vọng cổ, trời ơi, đứt ruột đứt gan…

Nếu trong 1 đêm theo ghe chài giăng câu bủa luới ven sông, ánh trăng vằng vặc, con nước êm đềm , tiếng ểnh ương cóc nhái kêu đêm, để nghe câu vọng cổ mênh mang vời vợi , trời ơi , buồn mà hạnh phúc vô cùng.

Nếu trong 1 chiều hoàng hôn tắt nắng, ngồi quây quần trên ghềnh đá mà bên dưới là sóng vổ rạt rào, ánh tà huy dần chìm vùi vào biển, câu ca vọng cổ cất lên nhói lòng ghê lắm, trời ơi, sầu  sao mà đau đáu….

Vì thế, vọng cổ phải hát bằng cả tâm hồn, phải trải nghiệm thế nào thì lời ca tiếng hát mới thấm đẩm hồn đất, hồn người… Hát vọng cổ mà bạn chưa hề biết cánh đồng lúa xanh mạ non đẹp thế nào, chưa hề thấy mẹ ta áo vá vai khăn rằn quệt mồ hôi gánh gồng tần tảo…. thì tiếng hát của bạn dù trời phú cho trong trẻo vô ngần, nhưng bạn chỉ là thợ hát, không hơn không kém !  Hát vọng cổ phải nói như chị Bạch Tuyết là hát về “Tình tự quê hương”, phải sống và phải từ ruộng lúa, từ dòng sông, từ cánh đồng, từ liếp rẫy mà ra, thì chất vọng cổ mới là vọng cổ.

Bởi thế, anh nông dân Lê Văn Gàn chân còn phèn vàng khè mà lên sân khấu hát ai cũng tấm tắc. Thanh Sang cất câu hò là ai cũng nao nao lòng….

Mùa thứ tư, Chuông Vàng hình như thưa dần đi những tiếng hát từ ruộng đồng bao la như thế, dẫu vẫn còn những tiếng hát hay không thua kém ai, chỉ tiếc là cái hồn của vọng cổ thiếu vắng dần đi. Ngay cả BGK là nhưng cây đa cây đề của giới cải lương cũng kiệm lời đi khi phát biểu nhận xét chứ không còn hào hứng khen chê như mấy mùa trước nữa !

Có 2 cái gai mà cảm nhận của Walk hơi ghê ghê khi vui buồn khi xem cùng 4 mùa Chuông Vàng, đó là – Trong BGK có thành viên là nghệ sĩ cải luơng của đất Bắc – Và, mùa thứ 4 này, có vài thí sinh cải lương đất Bắc tham gia tranh tài vào tới vòng trong !

Thiệt tình, không phải là kỳ thị, nhưng cảm quan cá nhân riêng của Walk thì cải luơng chỉ dành riêng cho miền Nam, miền Nam là cái nôi của vọng cổ, cũng như miền Bắc là cái nôi của hát chèo, quan họ….

Rõ ràng là phương ngữ và phát âm của 2 miền khác nhau quá ,  không thể hát cải lương bằng tiếng Bắc được, cũng như không thể hát chèo bằng tiếng Nam được ! Nghe muốn nổ con ráy , thiệt vậy à…

Bà Thanh Thanh Hiền dù là nghệ sĩ ưu tú, nhưng cáhc hát, cách diễn của cải luơng Bắc khác xa cải lương Nam 1 trời 1 vực. thì, những nhận xét của bà này dành cho thí sinh thật là chẳng khác nào nhai đá khi nghe bà ấy nói , hehehe.

Tuyệt hay là theo Walk nhớ khi nghê sĩ Diệp Lang nhận xét về 2 thí sinh miền Bắc tham gia trong giải mùa thứ tư lần này và đã vào top 10. anh ấy nói nhẹ nhàng, các em có chất giọng trong trẻo réo rắt, phát âm chuẩn, hát chắc nhịp, nhưng… các em hát hay mà chưa tải được cái hồn của câu ca, của bài hát…. Nhận xét rất thâm thuý và khéo léo, và rất trúng ý của Walk, hehehe…

Chớ sao, đâu phải kỳ thị khi nói nhu vậy, dứt khoát nghệ thuật của vùng miền nào thì có đặc trưng của vùng miền đó, đừng lấn sân mà trở thành kì cục, kì cục vô cùng. Chà thế mà bà Kim Chung. Kim Chưởng  tài danh đất Bắc khi vào Nam chỉ dám đứng vai bà bầu gom tiền làm giàu khi lập gánh hát do nghệ sĩ cải luơng miền Nam hát đó sao ! Chả thế mà nghệ sĩ Bích Thuận, Bích Sơn tài sắc mà chớ bao giờ dám dành vị trí đệ nhất hay đệ bét đào thương đó sao, mà chỉ khiêm tốn nhận vai khi nào phù hợp và khi hát cũng cố gắng hạn chế tối đa hát cải lương theo phát âm tiếng Bắc.

Nói mới nhớ, cũng ngộ, Walk chưa thấy nghệ sĩ miền Nam nào dám hát chèo hay tuyên bố , mở gánh , lập tuồng chèo nào cả…. Mà cải lương thì khác, lấn sân quá trời quá đất…

Chuông vàng phải là 1 sân chơi đúng nghĩa cho những ai từ cái nôi vọng cổ mà ra, hát vọng cổ như chính là sống trong vọng cổ. Những ai vì háo danh hay hám giải mà dùng công cụ là giọng hát của mình để tranh tài, để mơ cái giải Chuông Vàng sẽ là 1 nấc thang trèo lên danh vọng tiền tài nghệ thuật,  thì sẽ tự đào thải lấy chính mình, hình như là vậy, hình như đúng như vậy, khi anh nông dân Lê Văn Gàn cuời bình dị khi nhận giải Chuông Vàng, để rồi sauđó lại trở về với ruộng đồng quê nhà , hát cho cánh đồng, cho cánh cò , cho bà con quê mình nghe…

LÊN ĐẦU TRANG