Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

Để một mình

Photobucket

Elvis Phương hát bài nào cũng hay, giọng của anh ấy trầm ấm, cao nhưng không chói hay the thé,lại hát bằng giọng mũi nên xúc cảm rất đạt. Nhưng tiếc là quy luật thời gian, nên bây giờ anh ấy hát đã giảm chất lượng đi nhiều.

Hình như là, năm 74 thì phải, theo ông anh đi xem phim về Đại ca Thay, rồi mê luôn bài hát "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Cái cảnh 1 gã giang hồ lừng lẫy lúc chết đi trong cô độc, cũng như vó ngựa quần nát thảo nguyên , để rồi :

"Nhưng đời là ngựa hoang chết gục, và trên lưng nó ôi, còn nguyên những vết thù..."

Thê thiết quá, xem phim, rồi nghe Elvis Phương hát, lúc ấy còn chưa hiểu gì nhiều về đời, nhưng rung động sâu thẳm bên trong tâm hồn trước cái tráng ca của nó. Và, mê Elvis Phương hát từ đó.

Đừng nói gì, chỉ cần xem phim cowboy Viễn tây, 1 đàn ngựa tung bờm phi trên thảo nguyên trong chiều nắng gần tắt, đẹp vô cùng, hùng tráng vô cùng, sao có 1 tạo vật đẹp đẻ đến thế nhỉ ? Hay là cái cảnh Quách Tỉnh và Hoa Tranh cưỡi ngựa phi trên cánh đồng nội Mông ấy, lộng lẫy và hào hùng, mới hình dung ra được tài hoa của Kim Dung khi viết Anh Hùng Xạ Điêu.

Nghe nói, những chú ngựa đua hay nhất đều có nguồn gốc hay được phối giống với ngựa hoang. Mà ngựa hoang thì rất kiêu hảnh, nếu bắt được nó thì nó thà chịu chết vì đói chứ không hề quy phục với cỏ ngon do con người chiêu dụ. Nó nhớ thảo nguyên, nhớ những bình minh rực rỡ, nhớ hoàng hôn cháy buốt tâm hồn, và trên tất cả, nó nhớ bầu trời lồng lộng của tự do...

"Một hôm, ngựa bỗng thấy thanh bình, thảm cỏ tình yêu duới chân mình, nhưng đời làm ngựa hoang chết gục, và trên lưng nó ôi, còn nguyên những vết hằn", thế mới gọi là vết-thù-trên-lưng-ngựa-hoang...

Còn mình, mình sẽ chờ ai, đợi điều gì nhỉ ? hay chỉ là đơn lẻ một chiếc bóng bên đường trong chiều nắng tắt ? Để 1 mình, và làm ngựa hoang chết gục ?

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2008

Là em - Là anh

Photobucket

"Kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau... Em ơi, em đâu rồi, anh ơi, anh đâu rồi... Đừng nhìn nhau nữa em ơi..."

Đòi đoạn 1 ca khúc và nó sống mãi với thời gian. Bài hát này mình nghe lần đầu tiên năm 12 tuổi, kinh chưa , thì nghe ké với bà chị ấy mà, và mê nó luôn. Hồi đó, là nghe lần đầu do Thái Thanh hát. Cô này giọng hát vượt thời gian và cũntg lảng mạn vô cùng. Ấy là do hồi xưa sống cách nhà cô ấy 2 cái xóm, nghe mấy bà chị lê la với nhau lỏm bỏm là thế. Nhưng Thái Thanh hát thì tuyệt quá, và từ năm 13 tuổi bắt đầu để dành tiền mua Tape Shotgun có Thái Thanh hát. Có 1 huyền thoại về Thái Thanh, đó là chất giọng của cô ấy rất siêu, đi hát ở các phòng trà như Đêm Màu Hồng, cô ấy không cần kèn chuẩn để ban nhạc lấy tông, mà ban nhạc phải dựa theo xướng âm nốt La, Sí của cô ấy để lên dây đàn...

Sau này thì Cô ấy đã lớn tuổi, chất giọng vẫn tốt, vẫn hát được nhưng âm vực thiếu độ vang, luyến láy đã cứng , âu cũng là quy luật của thời gian mà thôi. Thế là chuyển sang mê Khánh Hà, Khánh Hà hát không siêu như cô T.Thanh, nhưng âm sắc tình cảm khi diễn đạt thì thê thiết hơn, thê thiết nhưng không nức nở như T.Thanh, thế mới chết... Nhất là xem cái DVD gi ấy quên tên rồi, Khánh Hà mặc áo dài đen, quấn khăm voan đen, cảnh quay hát ở giáo đường nào đấy của nuớc Mỹ... Xem mà rũ ruợi cả tâm hồn và mất ngũ ...

Mất ngũ vì ký ức ùa về...

"J'ai cuelli ce brin de bruyere

Tu es pris l'autome est morte..." (Apollonaire)

Ta ngắt đi 1 chùm hoa thạch thảo - Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi... Hoa thạch thảo màu tím ngăn ngắt, tím phớt xanh man mác như là 1 trời thu lảng đảng... Phạm Duy phổ nhạc từ 1 bài thơ của nhà thơ Pháp Apollonaire, bài thơ đã làm say mê 1 thời tuổi trẻ của dân Pháp, và cũng làm đắm đuối cả 1 thế hệ thời của mình. Hồi đó năm 16 tuổi nghe Julie Quang hát là đã bị hớp hồn rồi, sau này nghe Elvis Phương hát thì cáng điêu đứng hơn, vì tiếng hát của Elvis Phương ấm mà vang, thanh mà không chói như Julie, rồi, khi nhìn thấy cánh đồng hoa thạch thảo ở Đà Lạt thì mình mới tạ ơn bài thơ và bài hát đã tôn vinh 1 loài hoa đồng nội đơn sơ mà sang cả.

Và , nghĩ về mình "Mở lòng ra với những cánh rừng - Là anh, khói lam chiều làng đảng - Nghìn nhớ năm nào tình cổ thụ - Gã từ quan khóc động hoa vàng..."

Tình cầm , tình thua, có lẻ là vậy, vì kiếp nào có yêu nhau...


Thứ Tư, 28 tháng 5, 2008

Mảnh lòng

Photobucket

"Chùa xưa tan vào mây trắng

Chữ Thầy con vẫn cầm theo..."

Năm kỉa năm kia, ngày Lễ Vu Lan, đi chùa, tìm mua được 2 điều thú vị trong triển lãm thư pháp, đó là bức trướng nhỏ có 2 câu thơ này và 1 bức có 4 câu viết về Mẹ.

Mua mà rưng rưng vì nó hợp với lòng, nhất là năm ấy, còn được cài hoa hồng trên áo, dù Mẹ đang nằm trong bệnh viện cấp cứu. Chắc là đấng thiêng liêng đã minh chứng lời nguyện, nên Mẹ khoẻ lại và sống được thêm 2 năm nữa.

Chùa xưa tan vào mây trắng, chữ Thầy con vẫn cầm theo... Chữ của Thầy, nhân-lễ-nghĩa-trí-tín, và thiện nữa, con cầm theo làm hành trang trong suốt cuộc đời, nhưng chùa xưa đã tan vào mây trắng, Thầy viên tịch về cõi Như Lai...

Mang lời Thầy dạy, con vẫn sống hướng thiện. Có khi nào lầm lỡ điều gì, con vẫn hối hận suốt 1 thời gian dài.

Nhưng Thầy ơi, chữ dục, chữ tình là nợ nhân sinh, con đành tạ lỗi vì không sao diệt được dục và tình... Chữ tình nặng quá Thầy ơi, hơn 20 năm con chạy trốn như 1 cuộc đào thoát để nguời ấy an lòng mà cưới vợ làm trọn chữ hiếu. Con giết mình, quay đi để thấy mình không là mình... Nhưng không giết được nguời ấy trong lòng con !

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2008

Cảm tác vầng trăng

Photobucket

Trăng.

Chắc sẽ là ngớ ngẩn nếu khoe với ai đó rằng tối hôm qua mình đã thức để ngắm trăng !

Trăng, nhất là đêm rằm , trăng tròn đẹp lộng lẫy lắm, nhất là đêm ấy không mưa, nghìn sao thắp nến lung linh, lung linh và lung linh huyền hoặc. Ngày xưa, xem cái phim Camello, cứ chết sửng khi xem tới cái cảnh đôi tình nhân vương giả tìm nhau giữa rừng trong trăm nghìn ngọn nến lung linh, lung linh và huyền hoặc, như nghìn sao ...

Lại có cái tích rằng, nguời xưa đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm tri kỷ ! Sao lại nhọc lòng thế hở nguời xưa ? Khi mà từng đêm, nghìn sao lung linh cùng trăng ảo diệu, nhưng có bao giờ, chưa bao giờ thấy sao đi tìm và tác hợp nhau, và chỉ là nghìn năm đơn độc một vầng trăng , chỉ là ức triệu năm 1 quần thề thiên hà đơn lẻ !!!

Mình biết mê bầu trời đêm từ nhỏ, từ thuở đi BoyScout, đêm đốt lửa ca hát bập bùng, lửa tàn, trùm chăn nằm quanh đống lửa, và ngắm sao trời, ngắm trăng, nói khẻ cùng nhau. Đẹp lắm, thú vị lắm, và nhớ mãi không quên, mãi mãi trong ký ức.

Trong bóng đêm, những đốm lửa trại đã tàn lập loè tí tách, những khuôn mặt người nhoè nhoẹt, những khuôn mặt bạn bè yêu thương, không nhìn rõ mặt nhau nhưng nhìn rõ tâm hồn nhau, thấu thị hết cả tấm lòng. Đó có phải là 1 loại hạnh phúc mà mình đã không cảm nhận được hết của 1 thời niên thiếu và trẻ trai ???

Chỉ duy nhất có 1 đêm trăng đớn đau, đêm trăng của 5 năm truớc, mình ngồi bên balcon của khách sạn nằm sát biển, sóng biển rạt rào, nghìn sao quay cuồng, vầng trăng nghiêng ngã, và đêm ấy không thể quên đựoc, vì đêm ấy, trăng đỏ như máu !!!...

Có nên tiếp tục níu kéo tình cảm nữa hay không ? Hay là cứ tha thứ để rồi cứ đau khổ lặng thầm ? Và, đêm ấy, biển - sao - vầng - trăng - máu... đã cho mình 1 quyết định sau cùng, tuyệt tình....

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2008

Cỏ tương tư

Tương tư,

Cái từ này hồi nhỏ thấy sến làm sao ấy, nhất là khi xem cái vở cải lương "Trường Tương Tư", cứ bụm miệng cuời khi thấy mẹ ngồi xem TV mà khóc sụt sùi.

Có lẻ mỗi chặng đường, mỗi quảng đời, có 1 sự chiêm nghiệm riêng, có phải vì vậy mà kho từ vựng tiếng Việt mới có cái từ "Lứa tuổi" ?

Ai không có 1 thời thơ ấu, ai mà không có 1 thời trẻ trai... Nói gì thì nói, mình rất thích ca từ bài hát "1 đời người, 1 rừng cây" của Trần Long Ẩn, chất thơ, chất triết lý quyện với nhạc đã làm nên điều tuyệt diệu, chỉ tiếc 1 điều, đó là không có ca sĩ nào định danh tên tuổi được bài hát này, ai hát cũng được, ai hát cũng nghe tàm tạm, nhưng cái kiểu như chỉ Khánh Ly mới hát hết hồn trong "Diễm xưa", Thanh Tuyền trong "Nỗi buồn hoa phượng", Chistophe trong " Mal" thì không ai làm được điều này trong " 1 đời người, 1 rừng cây", tiếc là vậy...

Cỏ tương tư,

đứa bạn hỏi mình sao lại là "cỏ tương tư" mà không là "Buồn tương tư - tình tương tư..." ? Làm sao trả lời được , vì mình chỉ viết khi mình buộc mình phải viết, viết để trãi ra, và để nhẹ bớt, cho nên, mỗi lần viết là mình viết 1 mạch, và, hút thuốc rất dữ.

Cỏ tương tư, cái tựa nó bật ra sau khi viết là thế, chẳng có 1 chút phân vân, đắn đo hay lựac họn gì cả !

Và, cỏ tương tư. có lẻ 1 phần nào cũng là do khói thuốc, biết sao được, vì khi rít khói, ngón tay ám vàng, thì mình lại thấy nhẹ lòng hơn...

Để, gói cho mình dúm cỏ tương tư , chỉ cho riêng mình-tình-sầu....

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

Viết cho con - May 25, 2008

.............................

Bé Ti,

Thế là đã 3 tháng rồi xa con, tưởng đã nguôi ngoai nỗi nhớ con, an tâm khi biết con thích ứng tốt với xứ lạnh, ông 9 lo lắm, chỉ sợ qua đúng mùa tuyết thì con lại bị viêm họng và ho. Nhưng nghe con phây phây, lại còn ra nghịch tuyết nữa... Đúng như ông 9 đã nghĩ, con thích hợp với xứ lạnh. Không biết là khi trở về VN thăm ông, con có trắng trẻo hồng hào và bụ bẩm thế nào không nữa. Nhưng, bây giờ, chỉ biết là đau đáu nỗi nhớ con hằng ngày, hằng bửa, lúc ăn, lúc ngũ, con ơi...

3 tháng rồi xa con. và cuối tháng này là sinh nhật của con, chắc là con sẽ đòi mẹ con phải mua cho bằng được cái gateau có kem hình con dê. Ôi, nhớ lúc dắt con đi mua bánh sinh nhật năm ngoái, thấy cái bánh có hình con dê trongtủ trưng bày, con đã thét lên làm cả cửa hàng Kinh Đô sửng sốt " con dê, á, con dê. Ti là con dê mà, phải mua cái bánh này...". Ông 9 đã bỏ mấy buổi trưa đi hết các tiêm Disc để tìm mua cho con 1 đống DVD phim ca nhạc, phim cổ tích, phim siêu nhân, phim Batman, và nhất là phải có phim kịch cổ tích của Idecaf , con đã dặn qua phone như thế !.

Ôi, con ơi, đau xé lòng ông 9, khi hôm uqa nghe mẹ con phone về nói con đã khóc và đòi về VN , "Ba Mẹ dắt Ti về VN đi, Ti nhớ ông 9, nhớ anh hai, nhớ ngoại 5, ngoại 6 và bà ngoại quá. Dắt Ti về Vn đi, rồi ba mẹ qua Mỹ , để Ti ở lại...". Trời, lời trẻ thơ của con làm tan nát trái tim ông 9, 2 đêm nay không ngũ được, cứ lấy album hình cùa con mà xem, xem mà nuớc mắt cứ chảy dài, con ơi...

Ông 9 xin lỗi con, lỗi là của ông 9 khi đã gởi qua cho con mấy cái DVD quay cả nhà ở bên này khiến con nhớ nhà, con xem phim rồi làm gợi con nỗi nhớ nhà. Lỗi của ông 9 nghìn lần. cứ nghĩ là 3 tháng trôi qua sẽ làm phôi pha nỗi nhớ nhà trong trí óc non nớt của con, con ơi...

Thôi thì phải ráng con à, ở bên ông 9 và các ngoại, con sẽ vui, nhưng 5 năm, 10 năm nữa, ai sẽ lo cho con khi lớn lên ? Ông 9 đã cắn môi đến bật máu biết bao lần khi cố gắng rứt con ra xa vòng tay chở che của ông, chỉ vì, chỉ vì tương lai của con mà thôi , Ti ơi...

Từ lúc con mới đầy tháng, ông đã biết con là đứa trẻ thông minh và lanh lợi rồi, con phải theo ba mẹ, để con sẽ có được 1 tương lai tốt đẹp nơi xứ người với nền giáo dục tuyệt hảo. Đành vậy thôi con ơi, xa con cũng vì con, con nào có biết ?

Thôi thì ông 9 sẽ ráng chờ, 1 năm, 2 năm nữa, con sẽ về thăm lại quê hương, nơi con có những tình thương và ấm áp, noi con có ông bà và anh em họ hàng đang chờ đợi con quay về thăm lại...

Đành vậy thôi con ơi, Ti ơi...

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

Những điều giản dị

Cà phê,

có nguời bảo ghét cà phê, có nguời bảo nó là chất lỏng tuyệt diệu. Có báo đăng là nó rất hại cho sức khoẻ, cũng có báo lại viết là nó rất tốt cho sức khoẻ, miễn là đừng uống nó như hủ chìm !!!

Mình chỉ biết đến cafe từ năm 16 tuổi, là bắt đầu từ cái năm biết gầm đầu vào học trắng đêm , gầm đầu vào mà học, vì cả nhà trông đợi nơi mình, ai cũng học hành dang dở cả, nên kỳ vọng vào cái thằng sáng láng đẹp giai nhất nhà.

Có môt bà bạn của mẹ đến chơi nhà, cứ trầm trồ mãi, bà ấy nói thằng con chị có đôi mắt quá ướt, nó lớn lên thì con gái chết vì nó...

Có chết không thì mình chưa biết, nhưng từ khi biết mình như thế nào, thì mình chạy trốn vô số những ngỏ ý của các cô bạn, vì mình biết là không nên dối gian ai cả, nhất là dùng sự lừa dối ấy để làm bức bình phong che đậy cho mình thì đó là tội ác, giết chết đời nguời khác và biến đời mình thành bi kịch triền miên...

Có vị chiều một trời lảng đảng

có hoàng hôn lặn khuất trong hồn.

Mà phải, hồi nhỏ có xem cái phim "Chút mặt trời trong ly nước lạnh", hay vô cùng. Nhưng, vị cà phê thì có gì không ? Có, có môt trời lảng đảng, nên chỉ hãy uống cà phê từng ngụm nhỏ thôi, uống và ngậm lại chớ đàưng nuốt đánh cái ực, vì như thế thì sẽ không thấy hoàng hôn lặn khuất trong hồn mình !.

Những lúc giao mùa, những chiều xám ngoét, những khi mưa lạnh, hãy trầm ngâm bên cà phê, và, sẽ nhẹ lòng hơn, để thấy đời giản dị như là mình cố mà giản dị....

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2008

Rằng xưa

Rằng xưa có gã từ quan

lên non tìm động hoa vàng ngũ say...

Khi Phạm Thiên Thư viết tứ thơ này, là lòng trắc ẩn hay một mối u hoài về chốn xưa đã mất ? Chỉ biết là thơ đã có nhạc, và khi Phạm Duy phổ nhạc, thơ đã ngân lên tuyệt cú khúc ca.

Trời, Thái Thanh hát với tiếng sao đệm, nghe mà chết lịm vì 1 chút đớn đau, 1 chút hạnh phúc tràn dâng, và, nghìn xưa kỷ niệm ùa về. Nhưng, lạ 1 điều, mỗi khi nghe ca khúc này, mình không hề bi luỵ, mà chỉ man mác sợi buồn, sợi buồn lảng đảng tơ vương, ... Có aigọi tên 1 thứ hạnh phúc đớn đau không nhỉ ? Có không ? Mình nghĩ là có, vì đớn đau cũng là 1 thứ hạnh phúc, hạnh phúc của mất mát, của quá khứ không hề trở lại bao giờ, và cái hạnh phúc ấy có phải là sự đồng nghĩa của cụm từ " Thú đau thương" !!!.

....Tôi đốt mình trong từng ảo vọng

.... Ở hai đầu nỗi nhớ vây tôi

...Tôi chỉ là nắng xế chiều hôm

Gom nỗi nhớ dài sâu đêm vắng...

Và, nghe bài hát phổ thơ này, đến một lúc nào đó, trong đêm, mình bật ra thành lời để viết như sau :

RẰNG XƯA

Để mang vào giấc ngũ buồn tênh

rất nhiều đêm nặng nề ma mị

đêm cũng thành huyền mơ kỳ vĩ

hương nghìn hương thoảng gió mà bay.

Còn hoa vàng ru sóng tình say

tôi đốt mình trong từng ảo vọng

em lả lơi theo từng ánh mắt

ở hai đầu nỗi nhớ vây tôi.

Tình cũng giả và đời cũng láo

tôi như là mông muội u mê

và yêu như là mình có thể

bằng chính tôi nguyên vẹn vầng tim.

Tích xưa rằng lông ngổng tìm theo

là dối gian mà tin đành vậy

nên còn lại chút trong hồn ngọc

Mỵ Châu trầm một khối tình si

Tôi chỉ là nắng xế chiều hôm

gom nỗi nhớ dài sâu đêm vắng ....

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

Hò hẹn

Ở mùa này cón đỏ màu phượng vỹ

Thắm hay phai, xao xác trả lời sao ?

...

Anh đứng chờ bóng xế đỉnh mù sương.

Ngang qua trường cũ, 2 hàng phượng già đã bừng lến sắc lửa, nhớ vô cùng thời áo trắng. Lại càng quắt quay nhớ vì cái năm cuối cùng của thời áo trắng cũng chính là cái năm đổi đời định mệnh theo vận của đất nước.

Tháng 4 định mệnh năm ấy với bao lo sợ, haong mang và cả thất vọng vì chuyến đi không thành. Tháng 5, rồi tháng 6, rồi tháng 7 và tháng 8 là những ngày bất định, nhưng nói như 1 thằng bạn đã viết trong lưu bút :

"Gằm đầu xuống mà học

cúi đầu xuống mà đi

sau lưng là nỗi nhục

trước mắt là nỗi buồn..."

Nhớ nhất là sau biến độnglịch sử ấy, trường gọi học sinh tập trung trở lại, Thầy Quân Hiệu trưởng đã tập họp đám học sinh lớp 12 để động viên "Các con hãy ráng tập trung mà học để vượt qua kỳ thi này mà có đủ sức bước vào đời, Hãy quên hết đi tất cả để chỉ học, Thầy và gia đình, cha mẹ các con đang mong đợi nơi các con điều này". Thầy nói mà nước mắt chảy dài, học sinh cũng khóc, nhưng chỉ là khóc thầm, không 1 chút nào than vản. Nhìn lại bạn bè, cả khối lớp 12 mà gom lại chỉ còn chưa đầy 2 lớp, đứa đi, đứa ở, còn và mất, chỉ biết hỏi thầm nhau và cầu chúc cho bạn của mình nếu đi thì đất lạ đón chào, nếu ở thì đất mẹ bao dung....

Rồi cũng tốt nghiệp, mà lại tốt nghiệp loại giỏi nữa chứ, bây giờ nhìn lại, chẳng hiểu sức lực nào đã trợ giúp cho mình vượt qua được kỳ thi năm ấy với những đêm trắng thức học bài, khi mà đồ đạc của cải trong nhà cứ lần lượt ra đi đến chợ trời để đổi lấy những bữa cơm đạm bạc, 3 phần gạo, 7 phần mì hay bo bo....

Mùa hè năm ấy, đỏ như màu lửa trong ký ức và mang theo suốt cuộc đời...

Và, cũng một mùa hè, nắng cháy da , tim rát bỏng , khi chia tay tình đầu. Con đò chuyển biến đưa mình trở về thành phố, mà tiếng gọi nao lòng lẫn trong tiếng nấc của người ấy đã ám ảnh giấc ngũ thảng thốt của mình 1 thời gian dài, rất dài. Và thỉnh thoảng cho đến tận bây giờ...

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2008

Mimosa ngày ấy

Tôi về trong từng giấc chiêm bao

còn rực rỡ hoa vàng ký ức

nên ngạt thở sầu căng lồng ngực

còn thầm hương ngát Mimosa.

Chiều nay chạy ngang mấy cái chùa, thấy đại lễ Phật Đản hoành tráng, tấp nập thiện nam tín nữ mà không dám ghé vô. Mình vốn sợ đám đông và dị ứng với khói bụi, mà mấy ngày này, nguời ta thắp hương thấy kinh. Nếu ghé vào lễ pHật thì thế nào cũng bị dị ứng sổ mũi và ho hành hạ cả tuần. Thôi, đành nguyện khấn trong lòng vậy, có lẻ Phật ở trong tâm...

Nhớ năm ấy, lên lễ Phật ở Linh Sơn vọng cảnh Đà Lạt, đường lên chùa, Mimosa nở ngát rợp vàng, trong cái lạnh, hương thoảng rất hay, mùi hương Mimosa tuệt diệu lắm. mình có hỏi người ấy, mùi hương Mimosa hay qua, sao chẳng thấy ai nghiên cứu chế biến thành nước hoa nhỉ ?

Mà cái tên hoa cũng hay, MIMOSA, đọc nghe rất dịu dàng thanh nhã, và, mang theo ký ức gần 5 năm là vậy, Mimosa ơi...

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Trăng rơi trên vai - Võ Thị Thuý

Đọc để mà thấy những nghịch cảnh, ai đáng trách trong câu chuyện này nhỉ ? Chắc là tất cả đều đáng thương, cả ba nhân vật , những mảnh đời mà ta thấy đâu đó trong cuộc đời.

Nhưng với mình, dù đúng, dù sai, thì chàng trai trong câu chuyện vẫn đáng trách hơn cả. Không thể biện minh là anh ấy kết hôn với sự đồng thuận của cô gái, và đã nói thật với cô gái. Đồng thuận thế nào khi làm tan nát cả 1 đời của người ta thế nhỉ ? Đau lòng quá...

******************************************************************

Đêm đang chuyển mình. Ngày mai chị cưới sao không thấy vui. Chị cặm cụi với những chữ song hỷ rất lớn. Tôi đến cầm lên xem. Chị rất khéo tay. "Những việc này đã có nhà hàng làm rồi mà chị", tôi bảo. Chị lắc đầu: "Người ta làm không đẹp, mình làm cái gì cũng hơn". Rồi chị lại cắm cúi cắt. Nhìn dáng chị cặm cụi làm việc thấy tồi tội.

Anh rể bước vào. Bộ comple đắt tiền là phẳng lì. Quả thực tôi không hiểu sao anh lại đồng ý lấy chị. Anh đẹp trai, hào hoa và lãng tử. Trên khuôn mặt lúc nào cũng tươi, nụ cười thường trực. Anh có đôi mắt ướt, đa tình. Đối lập hoàn toàn với cái vẻ thô kệch, xấu xí của chị. Có người từng nhận xét vẻ mặt của chị khiến cho người đối diện không muốn bắt chuyện. Anh rể bảo chị rất nhẹ nhàng. Hình thức không là yếu tố chính để anh đến với chị. Có lẽ khi yêu người ta có đủ lý do để biện luận cho quyết định của mình.

***

Sau khi đi chúc rượu một lượt, chị có vẻ mệt mỏi. Tiệc tan. Anh rể mắt long lanh chụp ảnh chung với vài người bạn, trong đó có những người con trai mà trước mặt bao nhiêu quan khách vẫn ôm vai bá cổ, tỏ ra rất ăn ý. Nụ cười trên mặt anh thật quyến rũ. Vài người chụm đầu vào nhau, có lẽ đang bàn tán về chuyện của anh và chị. Cũng có thể họ đang hoài nghi về mối tình này. Họ giống tôi, có lẽ thế.

Thi thoảng anh rể đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt rất lạ, khó hiểu. Sau này chị gái bảo anh hay nhìn tôi vì tôi thường để ý anh. Chị ghen ư? Tôi không biết. Đôi khi tôi mơ hồ ghen khi so chị với bản thân mình, còn chị có ghen với tôi hay không thì tôi không biết. Nhưng đó là chuyện sau này.

Hai mươi ba tuổi, không nghề ngỗng, không tình yêu. Những lúc buồn càng buồn. Tôi chợt thèm một bàn tay đẩy nắm đấm cửa, anh sẽ đứng ở cửa mỉm cười, nhìn tôi thật tình cảm với một bó hoa trên tay. Bất chợt cánh cửa bật mở, anh rể bước vào thật, trên tay cầm một bó hồng trắng, rất đẹp, rất trong sáng. Đúng y những gì tôi ao ước. Chẳng lẽ có sự trùng hợp vậy sao? Anh nhìn tôi mắt long lanh. Cảm giác một biển sâu đầy nước xâm chiếm cả đôi mắt thăm thẳm của anh. Phải công nhận mắt anh đẹp, đôi mắt ấy đáng lẽ phải là của con gái mới phải.

Anh đứng đó, nụ cười nửa miệng làm tăng thêm vẻ kiêu ngạo đầy ma lực. Trong một phút tôi cảm giác thời gian ngừng trôi. Ngoài hiên, gió đẩy mạnh cánh cửa sổ, lúc lúc lại va mạnh vào tường làm tôi chột dạ. Một nỗi sợ hãi xâm chiếm tôi. Tự nhiên tôi thấy mình có lỗi với chị.

- Tặng dì út.

- Về chuyện gì hả anh?

Anh lắc đầu cười, không trả lời. Khi ra đến cửa anh quay lại bảo: "Không là gì cả". Thật

khó hiểu.

Vài người con trai đến với tôi. Cũng tài năng, cũng điển trai nhưng chưa có ai đủ hấp dẫn như anh. Họ đến rồi đi không hẹn trước bao giờ. Như thực như ảo. Hình ảnh anh rể cứ xâm chiếm tôi.

***

Chị gái về nhà một đêm cuối tuần. Trông chị mệt mỏi, làm việc nhiều và suy nghĩ nhiều chăng?

- Có chồng đẹp trai nên lo à? - Tôi hỏi bâng quơ nhưng lại rất để ý đến chị. Tôi cứ sợ chị phát hiện ra điều bất thường ở mình.

Chị lắc đầu:

- Chưa bao giờ chị phải lo điều đó.

- Vậy chị đang có mang?

Chị cúi xuống, nói rất nhỏ:

- Bọn chị vẫn chưa ngủ với nhau.

- Gì cơ?

- Đó là sự thực.

Nói rồi chị cười, nụ cười méo mó. Chưa bao giờ tôi thấy chị thảm hại đến thế. Chị ngước nhìn lên trần nhà, môi mấp máy những điều gì không thành tiếng. Mấy tháng lấy nhau không ngủ cùng nhau, vì sao? Một câu hỏi qua nhanh trong đầu tôi. Phải chăng vì tôi? Tôi vẫn nhớ cái đêm mưa anh rể mang hoa đến tặng tôi. Như vừa hôm qua, như mới hôm nay.

Không! Như vừa xảy ra lúc nãy. Mơ hồ lắm. Hoài nghi lắm.

- Vậy những buổi tối?

- Chị đi ngủ còn anh ấy chơi điện tử, cùng lắm là ngủ ở sa-lông.

Tôi đã thầm ghen với chị, với hạnh phúc ngọt ngào của chị. Mỗi lần nhớ lại cảnh anh chị sóng bước bên nhau trên thảm đỏ ở khách sạn, tôi không khỏi chạnh lòng.

Trong lớp tôi luôn là đứa nổi bật về sắc đẹp. Vậy mà trong suốt mấy năm đại học không có một mối tình nào cho tôi, không thể hiểu vì sao. Cô bạn thân thỉnh thoảng nửa đùa nửa thật: "Mày có sắc nhưng không có hương", và tôi tin điều đó.

Ba mẹ thì bảo tôi cao số.

Chị vẫn ngồi im. Hai hàng nước mắt bắt đầu rớt xuống má. Tôi nhìn sang chị. Qua bờ vai run run, trăng xuống sát cửa sổ, phả vào từng chấn song như đang rơi trên vai chị. Chị quay lưng lại phía ấy. Một sự so sánh hiện lên trong đầu. Chị với tay cầm bức ảnh hai chị em chụp hồi tôi tốt nghiệp.

- Em thật đẹp.

- Gì ạ?

- Anh rể bảo em đẹp.

Tôi lơ đễnh nhìn ra cửa sổ, không nói gì.

- Em đang nghĩ gì à?

- Em đang xem trăng.

- Xem trăng?

- Phải! Nhìn trong này ra, cảm giác như trăng đang rơi trên vai chị.

Chị quay lại và không nói gì.

Tôi chột dạ mỗi khi nghĩ đến câu nói "Anh rể bảo em đẹp". Chị đang ghen với tôi. Ở một chừng mực nào đó, tôi vẫn thấy mình có giá, ít ra là so với chị. Tôi vui một chút nhưng rồi lại buồn. Nếu đúng như những gì tôi dự đoán, đấy là bi kịch lớn nhất mà chị em tôi cùng phải gánh chịu.

***

Vào một tối cuối tuần, cô bạn thân sang rủ đi chơi. Đang trên đường, nó ghé sát tai tôi thì thầm: "Đây là quán dành riêng cho dân thứ ba, chơi hay lắm". Tôi gật đầu, nghĩ ngợi vẩn vơ. Hy vọng khám phá được điều gì mới trong lần đi chơi này để giúp tôi giảm stress.

Theo chân bạn vào trong. Tiếng nhạc đập mạnh. Không gian đầy thứ ánh sáng nhờ nhờ hết xanh đỏ lại tím vàng làm cho con người trong quán thêm phần đa diện. Tôi quan sát nhanh, vài anh chàng phục vụ đang pha rượu, lắc rất điệu nghệ làm tôi cứ trố mắt nhìn. Dù sống nhiều năm ở thành phố nhưng chưa bao giờ tôi đến những nơi thế này. Tôi cảm giác mình rất xa lạ với nơi này. Những điều ba mẹ tôi dạy không nhìn thấy ở đây.

- Lần đầu tiên đến thấy lạ thôi, vài lần khắc quen.

Tôi gật đầu, mặt nhăn nhó vì tiếng nhạc đập quá mạnh. Trên sàn trai gái đủ các kiểu quần áo đang nhảy nhót rất hăng, quấn lấy nhau và lắc theo điệu nhạc. 11 giờ, tôi giục cô bạn về, nó càu nhàu: "Giờ này sàn mới bắt đầu". Cô bạn tôi vẫn lắc lư theo điệu nhạc. Khách ùn ùn vào. Toàn thanh niên, có lẽ chưa bằng tuổi tôi. Phần lớn độ mười tám đôi mươi, ngực bắt đầu căng sau làn áo hai dây phập phồng. Dường như đã vào đây thì chẳng có gì phải che đậy cả.

Một đôi tình nhân nam đang đi về phía chúng tôi. Họ dìu nhau tình tứ lắm. Lần đầu tiên tôi biết có một thứ tình yêu không dành cho những người khác giới.

Chưa bao giờ tôi về nhà muộn như thế.

***

- Hai đứa chưa có gì à?

Bố hỏi chị và anh rể. Chị đưa tay xoa xoa lên đùi trái anh. Anh gật đầu nhẹ, chị trả lời:

- Con cái là quà của thượng đế ba ạ.

Anh rể chăm chú nhìn tôi. Tai tôi nóng ran, tôi chào cả nhà rồi đi lên gác.

- Dì út ốm sao?

Tiếng anh rể chầm chậm theo nhịp bước chân tôi lên cầu thang.

Tối, lang thang một lúc rồi về nhà định xem phim thì con bạn đến. Nó đỗ xe trước hiên, rủ tôi đi. Ba bảo:

- Muộn rồi hai đứa định đi đâu?

Tôi định đáp lại thì mẹ ghé sát tai ba nói câu gì đó, ba phẩy tay và bảo:

- Thôi, đi sớm rồi về.

Lâu lắm rồi tôi mới thấy thoải mái như thế.

- Ra hồ ngồi nhé!

- Tùy mày.

Thế là chúng tôi ra hồ ngồi. Quanh hồ, cách nhau một quãng nhất định lại có một đôi tình nhân. Trước mặt chúng tôi là một gã đồng cô, trông còn khá trẻ, mỗi tay một điện thoại, nói những câu rất khó hiểu. Con bạn quay sang tôi bảo: "Hình như nó đang điều gái gọi". Tôi hơi ngạc nhiên: "Làm sao nó công khai vậy?". "Càng nguy hiểm càng an toàn, với lại nó dùng toàn tiếng lóng". Sau một lúc điện thoại, xong việc anh chàng lại mở iphone ra nghe nhạc, tựa như chẳng quan tâm đến việc gì. Tôi đưa mắt lia nhanh ra phía sau. Trong hốc cây xù xì, một đôi tình nhân đang hôn nhau. Nếu họ là một nam một nữ, tôi sẽ chẳng để ý, bởi giữa Hà Nội này, chỗ nào có gốc cây chỗ đó có những cảnh yêu đương nóng bỏng. Tôi cứ dán mắt vào gốc cây ấy để xem có gì khác với cách biểu lộ của những đôi tình nhân bình thường không.

Khi ánh đèn ô tô xẹt qua, một đôi mắt quen thuộc nhìn ngược lại làm tôi bất ngờ lẫn hoảng hốt. Có lẽ người ấy cũng có cảm giác như tôi. Anh rể. Anh cũng đã nhìn thấy tôi.

Và tôi không biết mình đã về nhà như thế nào.

***

Chị gái vào. Khuôn mặt có phần xanh xao hơn trước. Chị gầy gò quá. Chị lo nghĩ

quá nhiều.

- Chị vẫn là gái trinh?

Chị gật đầu. Tôi không hề ngạc nhiên.

- Sao em hỏi vậy?

- Anh ấy là người đồng tính?

Chị thoáng giật mình. Khuôn mặt càng tái. Phải mất một lúc chị mới lấy lại được bình tĩnh.

- Em đã biết?

Chị đứng dậy bước ra cửa và lại quay vào. Đôi mắt ấy bớt dại hẳn đi. Chị như muốn khóc, lại như không, như buồn lại như vui. Chưa bao giờ thấy chị có biểu hiện như thế.

- Biết vậy cũng tốt.

- Sao cơ?

Chị hay có những câu nói khó hiểu như thế. Không khí bớt nặng nề hơn. Chị tiếp:

- Chị không thể làm gì khác.

- Nghĩa là chị đã biết anh ấy như vậy trước khi làm lễ cưới?

Chị gật đầu vẻ cam chịu.

- Tại sao?

- Anh ấy cần qua mặt mọi người. Còn chị cần một người chồng.

- Nhưng đó là bi kịch.

- Không lấy chồng cũng là bi kịch. Chị quá xấu để có một tấm chồng.

Câu nói của chị khiến tôi câm lặng, môi mấp máy mà không nói được thành tiếng. Tôi tựa vào thành giường, cảm xúc chợt tan biến. Cuối cùng đó mới là vấn đề.

Chị, dù trong bất cứ trường hợp nào vẫn là chị tôi. Trông chị mới đáng thương làm sao. Vậy mà có lúc tôi từng ganh tị với chị, từng đố kỵ vì chị lấy được một người chồng bảnh bao. Chao ôi!

- Vậy sao mấy lần chị bảo anh ấy... Em cứ tưởng anh ấy thích mình.

- Anh ấy cứ nghĩ em biết anh như thế nên luôn đề phòng em.

Vậy đấy. Vậy mà tôi đã hiểu nhầm tất cả. Vậy mà tôi đã không hiểu chị mình. Chị ở cạnh tôi bao nhiêu năm, mọi thua thiệt chị đều gánh hết mà tôi không hề biết điều đó. Vậy mà có lúc tôi so sánh chị với tôi rồi ganh ghét.

Tất cả sao mà mơ hồ quá. Tôi ước đó chỉ là một cơn ác mộng, để mở mắt ra là mọi thứ có thể tan biến hết...

- Ba mẹ biết chưa?

Chị lắc đầu. Và rồi chị khóc. Chị nghiêng mái đầu, run lên từng cơn.

Đêm đó, hai chị em ôm nhau khóc suốt một đêm. Đó có lẽ là đêm đầu tiên mà cũng là đêm cuối cùng chị em tôi nằm trên một chiếc giường.

Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy chị đã không còn ở cạnh tôi. Chị đi, chỉ để lại một bức thư, với mong muốn những người trong gia đình đừng đi tìm chị, hãy coi chị đã chết.

Bên cạnh bức thư là một tờ giấy ly hôn. Chị muốn quên tất cả để bắt đầu lại.

Ba mẹ tôi không thể làm gì khác được.

***

Căn nhà vẫn nguyên chỗ cũ. Cánh cửa sổ những đêm trăng vẫn thường mở ra nhưng chỉ mình tôi ngắm.

Không có chị ngồi đối diện để tôi thấy ánh trăng rót xuống cửa sổ nhìn qua chấn song như đang rơi trên vai chị.

Võ Thị Thuý (báo Thanh Niên)

Ngày lạnh

Mưa,

mưa liên tục cả tuần nay, có những chiều gió lạnh hồn hoang, có những đêm giật mình thức giấc vì vầng lưng buốt giá.

Chiều nay đi đón má của V. về chơi, sân bay mới 4 giờ mà âm u và gió thốc xào xạc, má khoẻ và cười rất tươi, còn nói "Má đem quà về cho con à nha", thương má quá, má nào cũng là má, mẹ ruột của mình đi về vĩnh hằng hơn 4 năm rồi, tựa vào má của V. để an ủi được phần nào...

Thương má nhiều hơn, vì nghe phong phanh má đang giận V. giận vì nó đổ hết của cải để bảo lảnh cho thằng nhóc được đi theo diện kết hôn giả mà không hỏi ý kiến của má. Cũng chẳng biết nói sao để an ủi má và cầu xin má hãy thông cảm cho nó, thương má, thương bạn, khó xử vô cùng, má ơi...

Về, đường ra sân bay TSN hn hút gió, mưa bụi lất phất mà bầu trời thì lại rất trong, nhưg không phải trong vắt với nắng muộn, mà cứ bàng bạc 1 sắc mây xám nhạt, trời nhẹ lên cao, lòng lại man mác, miên man theo con đường.

Có những ngày lạnh như thế, lạnh vì mưa gió, lạnh vì mùa sang, và lạnh vì lòng người... Quẹo qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố đổ ầm hối hả dòng xe và con người bất tận.

Còn lạnh không hả, tôi ơi ???

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2008

Nghìn thu

Thỉnh thoảng, chợt bâng quơ nghĩ về kiếp người, chợt nghĩ về tương ngộ, và, 1 lúc nào đó, chợt nghĩ về lẻ tử sinh.

Khi chết thì như thế nào nhỉ ? Tôn giáo nào cũng ngăn cấm và khép tội nếu tự vẫn để tìm cái chết, đạo làm người cũng thế. Tôi có 1 thằng bạn, lúc tuyệt vọng đã tìm đến cái chết bằng sợ dây oan nghiệt, đến viếng, thắp hương mà không cầm được nước mắt trước hình ảnh người mẹ không còn thần sắc, người cha thì trĩu nặng đau khổ như không thể nào đau khổ hơn được...

Và đằng sau cái chết là cái gì nữa nhỉ ? Tôn giáo thì có câu trả lời qua kinh sách, nhưng có ai đã trải nghiệm bao giờ chưa nhỉ ?

Mai trở về đất cũng bạc màu

nghe nghìn thu ngậm ngùi một kiếp

Kiếp người, luật nhân quả, luân hồi... Thôi thì cứ sống trọn vẹn cho mình, cho đời của mình, cố dặn lòng rằng chớ đừng bao giờ tự huỷ hoại chính mình mà thôi.

Có dịp xem cái film "Philadelphia", Tom Hanks đóng quá tuyệt, nghe nói rằng film "Based on the truth" và kịch bản viết từ 1 quyển sách best seller của Mỹ. Chả biết thực hư thế nào hay chỉ là 1 chiêu PR của Hollywood. Nhưng, film đã làm lay động lòng người, nó đoạt mấy Oscar kia mà, lay động và gióng chuông về mối quan hệ giữa người với người "người với người không phải là chó sói". Xúcv động đến rưng rưng ở đoạn cuối của film, Tom ra đi vì AIDS ở giai đoạn cuối, nhưng anh mỉm cưới, bạn tình anh mỉm cuời, gia đình anh mỉm cười , cuời trogn dòng nước mắt vĩnh biệt, vì anh đã chiến thắng với đời, anh đã sống trọn vẹn với chính anh và trên hết là anh đã chiến đấu mãnh liệt để giành 1 vị trí sống nhân bản đối đầu với bao kỳ thị ác độc của con người với con người...

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008

Hương xưa

Khi một bát nước đầy bị hất đổ đi thì có hốt lại được không ? Đó là cái câu mà Mẹ của tôi hay dùng để nhắc con cái của mình luôn cẩn trọng trong các mối quan hệ đối xử, và, tôi luôn ghi nhớ lời của Mẹ.

Huống chi, là một lời hẹn ước ! Không biết là nhân sinh có ai xem trọng lời hẹn ước không nhỉ ? Tôi có 1 thằng bạn, một đứa em, rất khí khái, nó bảo " Không hứa được thì đừng hứa, còn hứa rồi thì dù chết cũng phải làm ". Thế mà, bây giờ nó đã về sâu trong đất với căn bệnh ung thư quái ác, Cũng an lòng khi biết tin nó ra đi trong giấc ngũ sau một liều thuốc mê chế ngự cơn đau của bác sĩ tiêm cho, sức yếu nên thuốc đã đưa nó chìm sâu vào giấc vĩnh hằng...

Năm năm trước, tôi đã trao lời hẹn với 1 người, và tôi tin là mình đã cố hết sức để giữ đời chung thủy dù không phải nghĩa tào khang. Nhưng, than ôi, tôi đã đi trên con đường 1 chiều gió lộng bão táp và không đo được lòng người. Sự chung thủy được đáp lại bằng 1 chuổi dài dối trá, khi con người hứa như gió thoảng qua và trượt dài theo dục vọng thấp hèn bội phản.

Ít nhất, thì mình phải biết tự trọng vì chính mình, đúng chứ ? Tôi quyết định chia tay và không trách móc về bất cứ điều gì, chỉ thẳng thắn nói là tôi chung thủy và tôi không phản bội , nhưng tôi không tha thứ được cho những gì , những ai xem nhẹ lòng tự trọng của tôi.

Để rồi, tôi giữ lại cho mình những ký ức đẹp, để rồi, tôi bị đem rêu rao, tôi bị biến hoá thành 1 kẻ tội đồ... Người ta dùng hình ảnh của tôi để than khóc với bạn tình mới vì tôi là kẻ phản bội !!!

Thôi thì thôi, mộ người tà dương,

thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi... ( Đưa em tìm động hoa vàng).

Thì thôi, an nhiên với chính mình vậy...

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

Dấu hỏi

Hồi nhỏ, nghe cô giáo phân tích sự cần thiết của dấu chấm hỏi trong viết câu, mình cứ ngớ ngẩn, nghĩ rằng sao lại đăt ra chi cái dấu cho thêm phiền phức vậy ! Thế là, cứ viết chính tả là luôn bị trừ 1/2 điểm vì thiếu dấu chấm hỏi, trừ hoài, riết rồi ghét thậm ghét tệ cái dấu chấm hỏi.

Lớn hơn 1 chút, trời, học tiếng Anh thì la trời vì ngôn ngữ khác cũng có cái "Question mark", lại bị ;ịch sử lặp lại khi bị trừ điểm viết dictation thiếu dấu question mark. Ông thầy ở HỘi Việt Mỹ, cái Hội Việt Mỹ hồi xưa nằm ở đường Mạc Đĩnh Chi á, kêu giật giọng, "Mr.H, hey, why didn't you always write the question mark ?" , trả lời "sorry, teacher, first, I'm not Mr. (hehehe), I am a teen boy (hehehe), second, I hate the question mark", cả lớp cuời cái rần. Thầy cũng cuời luôn !.

Chắc là ghét nó quá, nên nó, tức cái dấu chấm hỏi ấy, nó đeo đẳng theo mình bằng muôn ngàn câu hỏi, hỏi mình, hỏi người, hỏi đời, hỏi nhân thế...

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2008

Ngày không nhau

Thôi thì thôi, chỉ là phù vân.

Thôi thì thôi nhé, đoạn trường thế thôi... (Đưa em tìm động hoa vàng).

Khi Nguyễn Du viết, ông gọi tác phẩm của mình là "Đoạn trường vô thanh". Tại sao lại là "vô thanh" nhỉ ? Chắc là đớn đau ghê lắm, không bộc phát được, không chia sẻ được, không ai va không ai thấu cảm được...

Có phải chăng tình thế gian là "tình chỉ đẹp khi còn dang dở " nên đời mới có lắm nỗi "đoạn trường vô thanh" ?

Ôi....

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Dặn nhau nghìn xa

Xé trời xanh toạc một tiếng uyên ương

chim lẻ bạn mây trùng mây bi thiết

Em dặn mình đường xa nhiều cay nghiệt

anh rồi quên có một thuở yêu thương.

Chiều nay, mây trời vần vũ, đen nghịt cả không gian. Nhưng, không mưa được, lòng bổng trĩu nặng, lang thang trên phố, qua những nhưng góc đường quen, ghé mắt nhìn những quán cafe cũ đã từng .... một thuở...

Cái nhớ ùa về, xôn xao và mảnh liệt, thắc cả lòng khi bước vào quán, chỗ ngồi cũ, góc khuất bên cây dương cầm, và , bây giờ chỉ còn lại một mình. Đốt thuốc liên tục làm đôi tình nhân ngồi gần đó cũng ngạc nhiên quay nhìn, ồ, mắt của 1 nguời hoen đỏ. Lạy trời, cho họ dù có cải nhau, gậin hờn nhau nhưng đừng bao giờ chia tay nhau. Đớn đau lắm 2 bạn nhé vì "Chim lẻ bạn mây trùng mây bi thiết"...

Cũng chợt nhớ lại, năm 2000 có đi 1 chuyến ra Vũng Tàu, trên đỉnh ngọn núi nhỏ, có 1 cây cổ thụ đứng trơ quạnh một mình. Người ấy quay hỏi mình, cây ấy là cây gì nhỉ ? Mình buột miệng trả lời "CÂY CÔ ĐƠN"....

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

Khi tôi 64 - Phan Hồn Nhiên

Sáng chủ nhật, giở trang báo Thanh Niên, tính tôi vốn không thích đọc các truyện ngắn đăng trên báo ngày, vì đa số nó nhà nhạt thế nào ấy. và không biết làm gì, tôi đọc lơ đảng truyện ngắn này của Phan Hồn Nhiên, và, tôi sửng sờ vì nó hay quá, nhân văn quá. khi nhà văn trẻ không hề cường điệu tuyên ngôn về bất cứ điều gì, mà chỉ nhỏ nhẹ, thủ thỉ về 1 mảnh đời 1 cách thâm trầm sâu sắc má tính khái quát hết sức cao, viết về thế giới thứ ba là 1 điều vô cùng khó, viết để khái quát về sự đồng cảm lại càng khó hơn, và sự khái quát đã to lớn hơn khi nó nhân ra nỗi cô đơn của con nguời, của loài người...

Cám ơn Phan Hồn Nhiên, cám ơn rất nhiều - Mời các bạn cùng tôi đọc những gì mà Phan Hồn Nhiên trải ra trên trang giấy.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Sảnh đợi vắng lặng. Các mặt ghế nhẵn thín, đỏ chói, liên kết với nhau bằng thanh inox trắng lạnh. Hưng thả người xuống chiếc ghế đầu tiên. Cảm giác cứng đờ ghê tởm truyền thẳng vào da thịt khiến anh nhận ra mặt ghế cũng đúc từ kim loại chứ không phải nhựa hay gỗ.

Dù rất mỏi, anh tránh dựa vào lưng ghế lạnh toát. Hưng nhìn chăm chú mặt đồng hồ màu trắng với những chữ số La Mã to khác thường treo trên khoảng tường phía sau quầy tiếp bệnh nhân. Vài phút nữa, 12 giờ khuya. Con trai anh đã được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt. Việc của anh lúc này chỉ là chờ đợi.

Có tiếng chân bước hối hả. Một thứ tiếng ồn ngẫu nhiên nhưng gây náo loạn. Sau khúc quanh cuối dãy hành lang, một người lao vụt ra. Anh ta cao và gầy một cách đáng sợ, khoảng ngoài hai bảy. Bàn tay bấu chặt phía dưới cổ, như thể anh ta đang gắng sức kiềm chế hỗn hợp âm thanh sắp buột ra khỏi cuống họng. Bước chậm lại, anh ta nhìn quanh rồi ngồi vật xuống đầu kia dãy ghế, run rẩy dữ dội, đến mức sự rung động thấm vào kim loại lan truyền sang Hưng. Anh ta không ngớt lầm bầm điều gì đó, cái yết hầu nhọn hoắt chuyển động cuồng loạn như sắp xé rách lớp da cổ tái nhợt. Chừng mươi phút sau, ngớt run rẩy, anh ta gục mặt vào hai bàn tay.

Một cách kín đáo, Hưng quan sát người lạ. Sự kinh hoàng sầu thảm tựa lớp màng trắng đục khiến mọi đường nét đều nhòe nhoẹt, như nhìn trên màn hình TV bị rối nhiễu. Ngoài tường kính, vẳng lên tiếng còi hụ cùng ánh đèn chớp của một xe cấp cứu đang băng qua khoảng sân bệnh viện. Vài y tá trực túa ra sảnh, chạy không tiếng động theo lối thang bộ. Hưng vẫn ngồi im. Nhưng người lạ đã đứng bật dậy, lách qua cửa xoay rồi biến mất.

Bác sĩ đồng ý cho anh đưa con về nhà ngay trong đêm. Đứa bé mười một tháng tuổi đã được tiêm thuốc. Nhịp thở trở lại bình thường. Lúc này nó đang ngủ im bên trong chiếc nôi lớn có quai xách. Trao cho anh túi bìa giấy đựng phim, đơn thuốc cùng một danh thiếp, ông ta giải thích đều đều với Hưng về Ehlers-Danlos type bốn - một bệnh hiếm khởi nguồn từ chứng rối loạn gen. Ngưng một chút, ông ta miêu tả biểu hiện một vài biến chứng nguy hiểm. "Tôi có biết về chúng - anh cắt lời bác sĩ - Một căn bệnh dính líu đến gen di truyền. Ông sẽ nói thế, phải không?". Ông ta im lặng nhìn anh bằng đôi mắt hẹp, vằn đỏ vì thức khuya. "Anh có thể đưa thằng bé đến phòng khám riêng của tôi. Bất kỳ lúc nào. Địa chỉ và điện thoại có trên danh thiếp". Ông bác sĩ quay lưng bỏ đi, chẳng buồn nghe lời cảm ơn.

Một lần nữa Hưng cúi nhìn đứa con trong nôi. Sau đó anh bước ra khỏi khu vực cấp cứu, bấm thang máy xuống tầng hầm để xe. Khi anh lái xe ra đường thì đã quá nửa đêm từ lâu.

2. Đối diện cổng bệnh viện, hộp đèn trạm xe buýt phả quầng sáng vàng yếu ớt. Khoảng tối quanh đó thẫm lại, dày đặc hơn. Một người đứng im, bóng đổ dài trên mặt đường nhựa. Chỉ có đồ mất trí mới chờ chuyến xe buýt không bao giờ hiện ra trong đêm, Hưng tự nhủ. Đèn pha xe hơi chiếu thẳng. Anh chợt nhận ra gã trai trẻ ban nãy trong sảnh. Anh cho xe chậm lại, trờ sát lề. Bấm nút hạ kính, Hưng lên tiếng lạnh lẽo: "Có muốn quá giang không?". Mất mấy giây, người đứng một mình mới hiểu ra. Anh ta hấp tấp chui vào xe từ cửa bên kia, khựng lại khi thấy chiếc nôi. Hưng cho biết băng sau bỏ không. Tuy nhiên người lạ rụt rè đề nghị được ngồi ghế trước, ôm đứa bé, còn cái nôi có thể xếp ra đằng sau.

Anh ta thu xếp mọi thứ nhanh gọn. Khi anh ta tìm được tư thế thoải mái, tựa hẳn vào lưng ghế, đứa bé vẫn nhắm mắt ngủ yên trên ngực anh ta.

- Anh cho xe đi thẳng năm cây số nữa. Ngã tư chạm đường cao tốc, tôi sẽ xuống.

- Được! - Hưng gật đầu - Cậu chợp mắt chút đi. Đến nơi, tôi sẽ gọi.

- Phiền anh thức tôi vậy! - Nụ cười gắng gượng khiến mặt người lạ có các hốc tối khó coi - Gọi tôi là Đông.

Đồng hồ báo xăng vẫn còn đầy. Đường nhựa trơn mượt gây cảm giác cái xe cũ đang trôi xuống dốc. Những vệt đèn pha ngược chiều hung hãn cắt xuyên bóng tối như mắt lũ thú rừng. Tiếng rì rầm của động cơ chỉ lan truyền đến khuỷu tay Hưng. Phần cơ thể còn lại nhúng ngập trong tình trạng không cảm giác. Suốt nửa năm vừa qua, anh sống sót nhờ tìm thấy trạng thái yên tĩnh này. Anh không hiểu nổi nguyên nhân tai họa. Anh không nghĩ hay làm được gì hòng ngăn tai họa diễn ra. Sau đó thì tất cả trở thành chuyện đã rồi. Chỉ có đứa con trai nhỏ của anh như tàn tích sót lại, nằm bên bờ lỗ thủng rỗng hoác của cơn ác mộng.

Hưng đưa mắt nhìn con trai. Khuôn mặt nhỏ ngoẹo về một bên, bàn tay bé xíu đặt trên vai người lạ lúc ẩn lúc hiện trong bóng tối. Một hình ảnh quen thuộc. Quen thuộc đến mức ghê khiếp. Hệt như anh lại nhìn thấy An, vào cái hôm anh đón cô và con trai mới sinh từ bệnh viện về nhà.

Họ mới ngoài ba mươi. Mọi thứ đang vận hành ổn thỏa. Ngay suốt quãng thời gian mang thai mệt mỏi, An vẫn không mất đi vẻ xinh đẹp và sáng suốt luôn khiến anh ngạc nhiên. Cuộc sống gia đình chẳng có gì phàn nàn. Trước đó không lâu, bằng tiền dành dụm, họ vừa mua chiếc xe mà giờ đây anh đang điều khiển. Ngôi nhà thứ hai của họ. Biểu tượng hạnh phúc của họ.

Anh nhớ hôm ấy, buổi sáng, trời mưa lây rây. Xe chạy tốc độ trung bình trên đại lộ thưa thớt. Máy lạnh trong xe điều chỉnh ở khoảng 26 độ C, thích hợp với đứa trẻ vừa chào đời ba ngày. Họ không nói gì. Sự tĩnh lặng chia sẻ.

Nhìn nghiêng, vầng trán An trắng xanh, thẳng và mịn. Dựa hẳn vào lưng ghế, tay ôm đứa trẻ, cô bỗng cười khe khẽ, rồi nhoài người lấy đĩa chọn lọc The Beatles đặt vào đầu đọc. When I'm sixty four. You'll be older too. And if you say the word I could stay with you... Giọng hát trầm mượt vang lên thong thả, đượm vẻ chế giễu dịu ngọt. Đúng khi ấy, anh chợt nhận ra không khí trong xe phảng phất một mùi gì đó gợi sự bất an. Vợ anh áp môi lên trán con trai, bình thản: "Mùi máu. Từ người em!". Anh gật đầu. Chưa bao giờ anh thấm thía nỗi buồn bã xót thương như giây phút đó...

Nhiệt độ trong xe cũng khoảng 26 độ C. Con trai anh được sưởi ấm trên ngực người lạ, ngủ ngon lành. Đường nét gương mặt nhìn nghiêng của gã quá giang khá đẹp. Hưng rùng mình nghĩ vợ anh có vài nét tương đồng với kẻ xa lạ này. Bất thình lình, Đông mở choàng mắt. Đôi mắt ráo hoảnh cho biết anh ta hoàn toàn không ngủ. Những ngón tay dài mảnh đeo mấy chiếc nhẫn cầu kỳ rẻ tiền gõ nhè nhẹ trên gò má. Lúc này, anh ta đượm vẻ tự tin và làm chủ tình thế, khác hẳn hình ảnh hoảng loạn tại bệnh viện.

- Hồi nãy, cậu ở khu cấp cứu có chuyện gì? - Hưng phá vỡ sự im lặng.

- Người quen của tôi cần đến bệnh viện. Tôi đưa ông ta đi! - Đông ngập ngừng.

- Chỉ vậy thôi sao? - Hưng ngờ vực.

- Người đó bị chấn thương sọ não - giọng nói thì thào, rồi đột ngột vang to, the thé - Một vết thương sau gáy làm ông ấy bất tỉnh. Chỗ rách máu chảy nhiều không tin nổi...

- Ai gây ra chuyện đó? - Hưng hỏi, dù đoán được lời đáp.

- Nếu ông ấy không dọa bỏ rơi tôi, thì tôi đâu có phát khùng! - Gã quá giang úp mặt vào bàn tay, đột ngột khóc nức. Nước mắt anh ta nhiều đến mức rỉ qua các kẽ ngón, biến mất trong mấy cái nhẫn - Dù sao thì tôi cũng đã đưa ông ấy đi cấp cứu và gọi điện báo cho người nhà ông ấy để họ tới bệnh viện...

Đứa trẻ thở khò khè và bắt đầu khóc to. Bỗng dưng, nỗi chán nản khủng khiếp xâm chiếm Hưng. Mùi máu váng vất từ người ngồi cạnh, quen thuộc. Nhưng anh chẳng hứng thú gì với các bí mật kẻ khác. "Đừng khóc như đàn bà nữa. Dỗ nín con trai giùm tôi!" - Anh lên tiếng, chỉ muốn được yên. Nghiêng đầu chùi khô mắt vào vai áo, Đông vỗ nhẹ lưng đứa trẻ. Thằng bé dịu xuống. Mọi thứ lại im ắng. Nhưng bầu không khí trong xe chẳng còn như cũ.

Giao lộ đường cao tốc lấp loáng phía trước. Lơ lửng trên cao, các bảng điện giao thông nhấp nháy. Xe chạy chậm lại. Đông nói yếu ớt: "Về nhà một mình sợ lắm. Giá anh cho tôi trọ qua đêm nay!". Đèn vàng ngã tư chuyển màu đỏ. Chiếc xe lao vụt qua giao lộ như một kẻ tâm thần mù lòa. Bằng hành động liều lĩnh, Hưng ngỡ như đã quyết định bẻ ngoặt cuộc sống anh sang hướng khác, mù mờ và bất ổn. Ở một khía cạnh nào đó, anh chỉ làm cho việc đánh mất khả năng kiểm soát đời mình hiện hình rõ nét hơn.

3. Người quá giang ở lại trong căn hộ ba phòng ngủ của Hưng. Một tuần rưỡi trôi qua. Anh ta chưa có dấu hiệu thu xếp rời đi. Anh ta cũng tuyên bố chẳng việc gì phải trở lại cái công ty thiết kế nơi anh ta làm designer và trả lời các câu hỏi khó chịu. Một cách tự nhiên và vô lo, Đông chiếm căn phòng nhỏ có toa-lét riêng và hai cửa sổ. Hồi mới chuyển về đây, An dự tính sẽ dành căn phòng hơi tách biệt này cho khách. Thực sự là vợ chồng anh chưa từng có vị khách nào đến ở qua đêm.

Sáng, Đông dậy khá sớm. Anh ta tắm, mở nước lớn và hát mấy bài cũ kỹ của The Beatles. Giọng hát lạc điệu, hòa với tiếng nước chảy ồn ĩ. Anh ta sử dụng quần áo và khăn tắm của chủ nhà, không chút bận tâm. Lần nọ, cắm phích nước pha sữa cho con, Hưng đi ngang cánh cửa khép hờ, chợt nhận thấy vị khách ngồi lười biếng trên bệ cửa sổ, với khăn tắm quấn ngang bụng, thả cái nhìn lang thang trong khoảng không vô định.

Yêu cầu vị khách chớ nên sơ suất, Hưng ngầm ý nhắc nhở việc lẩn trốn. Đông gật đầu, nhưng sau đó, lại thản nhiên phạm các sai lầm tương tự hoặc tồi tệ hơn. Có đêm, phòng anh ta vẳng ra tiếng khóc tru như tiếng chó sói. Hưng choàng dậy, gõ nhẹ lên cánh cửa không khóa. Anh ta nằm im, vờ như đã ngủ say.

Điều duy nhất khiến Hưng kiên nhẫn cho phép vị khách ở lại là anh ta nấu ăn khá ổn và có khả năng đặc biệt chăm sóc con trẻ. Bất cứ lúc nào thằng bé con anh khóc ngặt hay nôn trớ, chỉ cần Đông chạm vào, mọi việc sẽ mau chóng ổn thỏa. Nằm gọn trong cánh tay Đông hay được anh ta bế cho gối đầu lên vai, đứa bé tỏ ra yên ổn và hài lòng. Bằng mấy bài hát lạc điệu nhưng đượm sức vỗ về kỳ dị, anh ta hát ru không mệt mỏi. Đôi khi, đứa trẻ toét miệng, nở nụ cười hiếm hoi. Đôi mắt to, trong suốt của nó hướng về bố, đượm vẻ ngạc nhiên ngây thơ. Những giây phút ấy, Hưng rơi vào trạng thái tê liệt. Ngỡ như An vẫn ở trong nhà, đang bế con, lơ đãng nhìn anh. Và gia đình nhỏ của họ vẫn nguyên vẹn, hạnh phúc ghê gớm.

Có lần, Hưng bước nhẹ đến phía sau dáng người cao lênh khênh của Đông, cầm bàn tay bé bỏng của con trai áp lên môi. Thình lình, Đông quay ngoắt lại khiến mũi Hưng sượt qua lớp áo mỏng của anh ta. Mùi đàn ông hoang dã, khêu gợi, và cũng thật phù phiếm. Khoảnh khắc ngắn ngủi, anh tỉnh ra. Không phải An. Nhưng anh đang lặp lại các động tác từng làm với An. Phải chăng đến một lúc nào đó, người ta phải chấp nhận cuộc sống là những chi tiết vụn vặt lặp đi lặp lại, không chọn lọc đối tượng? Phát hiện này khiến anh rùng mình. Nhận ra Hưng đang gần sát bên, người ở trọ hơi lùi lại, bàng hoàng nhưng mau chóng mỉm cười.

Một vài lần, Hưng thử đề cập nguy cơ bất ổn nếu Đông bị phát hiện ẩn náu trong nhà anh. Anh sắp lấy được visa. Dính líu tới một tội phạm sẽ phá hỏng tất cả. Nghe Hưng nói, kẻ ở trọ khựng lại: "Đừng có đuổi tôi, nhé!". Câu nói giống một mệnh lệnh hơn lời van vỉ. Trong vài giây, anh chợt hiểu kẻ lạ sẽ không dễ dàng rời đi. Tình trạng anh rơi vào thật trớ trêu, kỳ dị và không sao chống cự. Cách duy nhất là chấp nhận nó.

Một cách đều đặn hơn, Hưng giao những việc nhà lặt vặt cho kẻ ở trọ. Anh ta hoàn tất chúng lúc được lúc không.

- Vì sao lúc nào các cửa sổ cũng mở toang? Nếu khép lại, căn hộ sạch sẽ hơn nhiều! - Đông hơi cau có, khi trong bữa ăn sáng, Hưng nhờ anh ta hút bụi sô-pha.

- Này, sao vợ anh đi vắng lâu thế? Công tác dài ngày đến giờ vẫn chưa về?

- Cô ấy không sống với tôi nữa! - Anh đáp đơn giản.

- Chạy theo gã đàn ông khác sao? Là một gã ngoại quốc giàu sụ, hả? Thế mà anh vẫn ghi nhớ sở thích của cô ta! - Đông cười rú lên, rồi nín bặt, sợ sệt nhìn Hưng.

Cốc cà phê trên bàn của anh đã cạn. Đông ăn một lượng khá lớn bánh mì mứt, trứng rán, và cả một thanh sô-cô-la. Chừng như đọc được ý muốn thoáng qua của người đối diện, Đông lấy thêm một cốc to và đầy từ máy pha cà phê, đặt trước Hưng.

- Đêm qua anh mất ngủ hả?

- Ừ!

- Anh cảm thấy cô độc, khổ sở vì bị vợ phản bội, đúng không?

- Thôi đi! - Hưng nói khẽ, khó chịu - Con tôi lại sốt. Tôi thức chườm mát cho thằng bé. Gần sáng, nó mới ngủ tí chút.

Đông phàn nàn dai dẳng vì sao anh không đánh thức. Anh ta có thể thức đêm với đứa trẻ. Dù sao, anh ta cũng đâu có phải dậy sớm đi làm... Khi Đông nhắc anh cứ để đứa con ở nhà, anh ta sẽ chăm sóc cẩn thận, Hưng thờ ơ lắc đầu:

- Lát nữa, tôi đưa nó đến bệnh viện! - Hưng chợt nhớ vị bác sĩ có đôi mắt hẹp.

- Anh không tin tôi! Anh sợ tôi sẽ bắt cóc thằng nhỏ, mang đi mất sao? - Đông cười, nhưng không che giấu sự trách móc.

- Trái lại thì đúng hơn! - Hưng thành thật - Tôi chỉ mong có người họ hàng nào đó nhận nuôi thằng bé. Nhưng chẳng ai muốn gánh một đứa trẻ bệnh tật.

Tất cả vẻ bỡn cợt trên mặt Đông biến mất. Thay vào đó, một sự kinh hoàng ghê gớm, hơn cả cái hôm đầu tiên Hưng nhìn thấy anh ta ở bệnh viện. Hưng muốn giải thích thêm vài thứ, cho rõ ràng hơn. Nhưng anh không sao nói được. Một điều gì đó chen giữa họ, không thể chạm vào, nhưng họ nhìn thấy hình bóng lởn vởn của nó. Cả hai ngồi im lặng, với nỗi kinh ngạc và cam chịu.

4. Luồng sáng xanh từ cái đèn halogen hắt xuống chùm tia bất động. Mùi chlorine tẩy trùng phảng phất làm cho không khí như lạnh hơn vài độ C. Tiếng nước rầm rì trong ống máng đặt ngầm dưới vách tường đột nhiên tuôn chảy ồng ộc. Rồi cũng thình lình như thế, nó im bặt. Vị bác sĩ đặt đứa trẻ kiệt quệ lên mặt giường nhỏ, bắt đầu các bước kiểm tra thông thường. Đôi lúc, ông ta liếc nhanh về phía Hưng, suy tính. Sau khi tiêm cho thằng bé một mũi thuốc, ông cho biết khoảng hai tiếng nữa, nó sẽ hết sốt, huyết áp trở lại bình thường và Hưng có thể mang con về nhà. Thanh toán xong một khoản lớn tiền khám và tiền thuốc, anh quyết định hỏi thẳng:

- Thực sự, con tôi sẽ sống được bao lâu nữa?

- Nếu nội soi qua đường thực quản, mới có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên không thể làm thế với đứa trẻ mười một tháng tuổi! - Bác sĩ hơi nhíu mày - Thật lạ, nhưng này, tôi có cảm giác rõ ràng anh không muốn cứu đứa bé!

- Tôi ký hợp đồng, qua Úc làm việc vài năm. Tôi không thể mang theo con!

- Một lý do dễ nghe nhất! - Đôi mắt hẹp của bác sĩ ánh lên cái nhìn tinh thông.

- Ông đoán đúng. Về sâu xa, tôi thấy thời gian của mình đang bị phí hoài bởi những trách nhiệm mệt mỏi! - Hưng nói chậm, bải hoải - Những kẻ ngu xuẩn sẽ nhìn nhận tôi là kẻ tàn nhẫn. Nhưng tôi tin ông biết vì sao tôi nghĩ thế.

- Tôi hiểu. Ai cũng muốn từ bỏ một điều gì đó.

- Đúng vậy. Tôi muốn bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác! - Hưng bế đứa con ngủ thiêm thiếp, đặt vào trong nôi - Tôi cần thay đổi. Tất cả.

- Thôi được. Tôi sẽ chú ý xem ai muốn nuôi một đứa trẻ có tĩnh mạch quá mong manh! - Vị bác sĩ đùa nhẹ nhàng, không phải không chua chát - Tôi sẽ gọi anh sớm.

- Cám ơn bác sĩ! - Anh đứng dậy. Sự nhẹ nhõm đi cùng cảm giác trống trải kỳ dị.

Từ phòng khám tư của vị bác sĩ, Hưng đi thẳng về khu căn hộ, không ghé qua nhà trẻ gửi con.

Gã ở trọ nói đúng. Chẳng có lý do gì để anh phải lo lắng người ta lấy mất đứa bé một khi chính anh cũng muốn nó không hiện diện trong cuộc sống anh nữa.

Gần bước vào thang máy, anh chợt nhớ cần mua sữa và tã giấy nên ghé sang siêu thị dưới chân tòa nhà. Anh gửi tạm cái nôi trên mặt bàn gần quầy thu ngân. Quay trở ra, với hàng hóa lỉnh kỉnh trên tay, máu dưới da như đông lại khi anh nhìn vào cái nôi trống rỗng. Một sự trùng hợp kinh hoàng.

Nữ thu ngân hiểu ngay chuyện gì xảy ra khi thấy vẻ mặt Hưng. Cô ta há miệng, như sắp hét lên báo động. Anh ngăn lại. Một thoáng lưỡng lự, khi anh nghĩ xem có nên thanh toán chỗ hàng hóa vừa chọn hay không. Cuối cùng thì anh vẫn xếp chúng vào bên trong chiếc nôi.

Ở công viên nhỏ giữa các block nhà, anh ngồi trên băng ghế, suy nghĩ tình thế của mình. Về đứa con bị mất đúng khi anh muốn nó bị mất đi. Cảm giác sợ hãi mà anh không thấu hiểu...

Chuỗi ý nghĩ sáng rõ, rành mạch. Gần đấy, một người già đang cho một con chó ăn từng mẩu bánh mì bẻ nhỏ. Tiếng chim lích rích trong bụi cây. Một đợt gió thốc đến từ phía sau, làm cho đám lá khô trên cỏ bay thốc lên, đổ dồn về phía băng ghế anh ngồi. Vài hạt nước mưa lác đác khiến mặt ghế nhờn lạnh, gợi cảm giác ghê tởm. Anh xoa nhẹ gương mặt. Da anh cũng lạnh và khô nẻ, như các miếng vỏ khô gần rụng khỏi thân cây. Cứ thế, dù muốn giấu kín, luôn có một phần con người anh vẫn bị hở ra ngoài. Anh cứ ngồi im như thế, bao lâu không rõ, trong buổi sáng cuối xuân lạnh lẽo và đơn độc tột cùng.

Đông biến khỏi căn hộ, chẳng để lại một tin nhắn. Anh gọi cho cậu ta. Chuông reo, không ai nhấc máy. Trong phòng nhỏ dành cho khách, những tạp chí và các vỏ đĩa phim bừa bộn. Gió lùa qua cửa sổ quên cài chốt. Đột nhiên trong Hưng dậy lên ước muốn được nhốt mình trong bóng tối. Anh tắt hết bóng điện, kéo mạnh tấm rèm vải dày, cắt đứt luồng sáng cuối cùng. Trong căn hộ rộng lớn, các món đồ nội thất chỉ còn hiện diện bằng những đường viền mờ tối. Anh đi xuyên qua vệt bụi lơ lửng.

Sáng sớm, Hưng ngồi im trên giường, chờ nghe tiếng con trai khóc hay một bài hát When I'm 64 lạc điệu vẳng ra từ phòng tắm bên kia vách tường. Nhưng không gì cả. Chẳng phải đây là điều ta mong chờ đấy ư, anh tự hỏi, vậy mà sao khi nó diễn ra, hệt như mọi việc được chất lên một cái thùng xe và mặc sức lao xuống vực?

5. Các thủ tục cho chuyến đi hai năm đột nhiên nhanh chóng hơn cả mong đợi. Công ty nơi Hưng sẽ đến làm việc đã gởi qua e-mail một số hồ sơ để anh xem, chuẩn bị trước. Vị bác sĩ có đôi mắt hẹp gọi, thông báo một đôi vợ chồng lớn tuổi giàu có muốn nhận đứa bé. Họ biết rõ sự rối loạn gen trong quá trình cấu tạo chất collagen khiến tĩnh mạch đứa bé dễ bị vỡ, và hứa sẽ chữa trị tích cực.

"Anh gặp may, hả?" - Tiếng bác sĩ như vẳng đến từ hành tinh xa xăm. Hưng cho biết sẽ quyết định và trả lời sớm.

Tối thứ bảy, sau nhiều trì hoãn, anh mở tủ, thu xếp hành lý. Chiếc va li màu xanh, sau chuyến đi du lịch cuối cùng của anh và An, vẫn nằm dưới đáy tủ. Một cách chậm rãi, anh mở nắp. Bên trong, lớp vải lót vương vãi nhiều cát mịn. Những hạt cát từ quần áo tắm trong kỳ nghỉ hè cuối cùng của họ. Mùi muối. Hương vị gió biển. Tiếng cười tươi sáng của An.

Tất cả bỗng ùa ra, xâm chiếm căn phòng nhỏ. Giữa những mảnh ký ức vụn nát ấy, anh chợt nhớ câu chuyện họ nói với nhau khi nằm giữa hõm cát, về đứa con đang thành hình trong An, về tình yêu bền vững và một tương lai chung được đảm bảo... "Vậy mà em bỏ mặc anh và con. Chúng ta đã sai hết, phải không?" - Hưng lầm bầm. Nhỏm phắt dậy, tức giận điên cuồng, anh nhét đồ đạc đi xa vào va-li, đóng sầm nắp lại. Ngồi thở dốc, bỗng anh tự hỏi giờ này con anh ở đâu? Đang làm gì? Có đau ốm hay không? Chộp điện thoại, anh gọi cho Đông, đầu mối duy nhất.

Khi anh đang xem chương trình thể thao phát lúc mười giờ, chuông cửa reo lên. Đứa con trai của anh được Đông ôm trước ngực bằng một cái địu trẻ em bọc vải. Hưng đưa tay đón con. Thằng nhỏ hồng hào và khá hoạt bát. Trên ngực áo Đông, có một vệt dãi trớ ra từ miệng đứa bé. Cảm giác ấm áp trở lại. Niềm vui sâu thẳm mà anh không thể hình dung hiện ra, khi ôm con trai vào lòng.

Vị khách mang theo hộp mì xào mua bên phố ăn đêm của người Hoa. Hai người ngồi bên bàn. Đứa trẻ vẫn nằm trên ngực Hưng, ngủ say. Thức ăn còn nguyên. Hưng chỉ uống nước ấm trong khi Đông nốc hết cốc này sang cốc khác thứ nước dầm trái cây màu đỏ phảng phất mùi rượu. Bằng vẻ tỉnh táo khó tả, anh ta kể với Hưng vài khó khăn khi một mình đối diện với bệnh tật của đứa trẻ, rồi niềm quyến luyến khiến anh ta khát khao giữ chặt thằng bé, không đáp các cú điện thoại của Hưng.

- Tại sao cậu cứ phải làm toàn chuyện bất thường như thế? - Anh nhìn thẳng vào mắt Đông, thật sự muốn biết.

- Tôi khiếp sợ phải sống một mình lắm! - Đông thì thào - Hồi trước, tôi thèm khát được ai đó thương yêu. Nhưng giờ, tôi hiểu, chỉ cần có ai đó để cho tôi thương yêu là đủ. Anh không hiểu đâu...

- Hôm ở bệnh viện, sợ bị bỏ rơi, nên anh đã trừng phạt cái gã bỏ rơi anh?

- Anh nghĩ tôi dám làm vậy ư? - Khách cười nhợt nhạt - Tôi xạo đó. Chúng tôi chia tay lâu rồi. Khi ông ấy bị tai nạn, tôi đến, đưa đi cấp cứu. Tôi rất khiếp sợ khi nhìn thấy máu. Lúc anh cho quá giang, tôi mừng lắm. Và tôi rất muốn anh để mắt đến tôi...

Hưng lặng im, thấm thía bản chất thực của nỗi cô độc. Những kẻ như anh, như Đông, chẳng còn gì để nương tựa, ngoài chính bản thân mình. Và điều ghê gớm nhất mà người ta phải đối diện trong quãng thời gian ấy, không phải nỗi đau đớn hay buồn rầu, mà là chống lại nguy cơ thoái hóa nhân cách, sự nhẫn tâm, ngụy trang dưới lớp vỏ tuyệt vọng. Anh áp tay lên đầu con, lắng nghe hơi thở ấm dịu lan tỏa trên lồng ngực. Cảm giác bình yên khiến giá lạnh trong anh tan mờ dần.

Họ nằm im cạnh nhau. Hơi thở chậm rãi, mệt mỏi. Đông lên tiếng: "Vợ anh có nói khi nào quay về không?". Hưng đáp, sau hồi lâu im lặng: "Cô ấy mất rồi. Đúng nửa năm trước. Vợ tôi không thể thoát khỏi quy luật tàn bạo của những chuỗi gen. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao như thế. Chúng tôi có rất nhiều thứ. Thế mà đột nhiên với cái chết của cô ấy, tất cả mất sạch. Cuộc sống này, có gì là an toàn đâu. Cậu hiểu không, tôi đã phát điên lên".

Nước mắt ứa ra, anh khóc, không còn tự chủ. Bàn tay mềm và lạnh của Đông lần tìm tay anh, siết chặt: "Chúng ta sẽ không sao. Rồi sẽ ổn. Dù sao thì cũng phải sống đến già, can đảm...".

Họ thức suốt đêm. Ngoài cửa sổ, bóng những con cú bay vụt qua các đám mây lừ đừ trôi.

***

Hưng trì hoãn chuyến bay, thương lượng lại bản hợp đồng với công ty nhận anh làm việc. Cuối cùng, họ cũng thỏa thuận việc một chuyên viên cấp cao của dự án mang theo đứa con chưa đầy một tuổi.

Anh và con ra sân bay bằng tắc-xi. Không ai đưa tiễn. Đứa bé được anh địu trước ngực, đôi mắt tròn ngây thơ, ngạc nhiên nhìn đám đông chuyển động không ngừng.

Hoàn tất thủ tục và gửi hành lý, anh bước sang khu vực cách ly. Những mặt ghế kim loại đỏ chói. Anh ngồi xuống, hôn nhẹ lên trán con. Từ chiếc loa vô hình, mấy bản nhạc không lời của The Beatles vẳng xuống.

Anh chợt ngoảnh nhìn đầu ghế bên kia, chờ đợi một bóng người hoảng loạn sẽ hiện ra, ngồi xuống gần bên. Những con người đủ màu sắc in bóng lờ mờ lên bức tường kính, chộn rộn, tất bật tỏa vào nhiều hướng.

Anh cứ nhìn mãi đám đông vô định ấy cho đến khi tiếng loa âm oang gọi hành khách vào cổng, chuẩn bị lên máy bay.

Phan Hồn Nhiên

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

Tráng sĩ ca

Tráng sĩ hành, nhịp ngân bi tráng

mấy bôn ba, mấy thẻo nhân tình

Trầu không xanh, cau vàng héo rủ

có hề chi, ta chẳng là ta...

Tôi sống, tôi tìm tôi, tôi tìm ai trong khát vọng sống của một kiếp người.

Bá Nha ngộ tri âm tri kỷ chỉ với một tiếng đàn tri ngộ Tử Kỳ...

Hồn thơ ơi, tháng năm qua ta mãi miết đi tìm, nguời tri âm, tri kỷ biệt phương nào ?

Rất dài xa nhớ

Ta xa nhau vì bao định kiến

Đạo lý này xua đuổi người ơi...

Có ai hiểu và có ai hay ? nên câm nín một đời lầm lở. và, tôi đi tìm một sự cảm thông , chia xẻ, đó là "cần có một tấm lòng"...

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2008

Đêm thầm nhớ

......

Photobucket

Không nhớ đã bao năm

"Ai hành vân có chùng lòng lưu thủy ?"

Mình không trách ai, trách đời gì cả ! Có chăng là chỉ tự trách mình và hỏi thảng thốt thế thôi. Nhưng hỏi để làm gì nhỉ ? Cõi ở tạm này như là phù vân hư ảo.

"Đã mấy năm nỗi nhớ nặng trên vai,

Anh không thể quên đi và bứoc tiếp "

Thời gian không có tuổi, có phải vậy không ? Thời gian chỉ là những con số, và ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, năm tiếp năm.

Thời gian không có tuổi, nếu có, thì cuộc sống sẽ nặng nề , thà là - không nhớ đã bao năm...

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

Hai mươi tuổi

Thời gian trôi mau vậy sao ?

Khúc tráng ca ngày thanh xuân với tình yêu đầu đời, đẹp lắm, nên nâng niu cất giữ dù dòng thời gian trôi không làm phai ký ức.

Ôi , nụ cuời rạng rỡ của em ngày đầu tiên ấy, ngày đầu tiên anh đến vùng đất lạ, năm năm trời anh nhớ đến quắt quay, nhớ từng giây anh đã ở bên em...

Phượng đốt lửa rồi em ạ, thời gian này ở nơi đó mùa gió chướng lại về, và anh nhớ, tình yêu của anh, chàng trai của anh, anh nhớ em đến vô cùng...

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2008

Có phải mùa thu - Dã quỳ ?

Dã quỳ, tôi bắt đầu biết về hoa dã quỳ từ khi nào nhỉ ? Hình như là từ năm 12 tuổi, hình như vậy. Năm ấy được gia đình cho đi nghĩ mát tại Đà Lạt, khi xe bắt đầu đến Bảo Lộc là tôi ngợp, choáng ngợp với sắc vàng lộng lẫy của những khóm cúc quỳ rực rỡ nở 2 bên đường. Ấn tượng đầu tiên ấy mảnh liệt ghê lắm. Và, tôi bắt đầu yêu Dã quỳ từ khi ấy.

Có loài hoa nào mà sức sống căng tràn dường ấy. nép mình bên đường, không cần và không chờ ai chăm bón tưới tiêu chi cả, chờ đến cuối mùa thu là đốt lửa, bật lên 1 trời vàng rực hoàng hoa. Chỉ nương tựa vào đất trời mà sống, sống mảnh liệt kéo dài suốt những con đường cái quan dọc dài đất cao nguyên. Vì thế, tôi gọi cúc quỳ là loài hoa kiêu hảnh.

Tôi cứ ngở là chỉ Đà Lạt mới có cúc quỳ, về sau này mới biết suốt cả vùng cao nguyên trung bộ đều có . Huớng dương thì đẹp quá, nhưng có bao giờ ta thấy hướng dương mọc hoqang dại như cúc quỳ không ? Phải được nuôi duỡng, gieo trồng, chăm sóc thì mới có những cánh đồng hướng dương. Cúc quỳ thì không, nó tự sống, tự đâm chồi , đơm hoa .... Và, có lẻ vì thế nên mới có tên "Dã quỳ".

Ngày ấy, lần trở về Đà Lạt , tôi đắm say với dã quỳ, ngây ngất với 1 tình yêu vừa chớm nở, những đoá dã quỳ ướp vàng giấc mộng tình yêu của tôi... Nhưng, chỉ qua 1 mùa hoa, tôi đớn đau để nhận ra rằng mình đã bị lừa dối. Trái tim chung thủy của tôi đã bị chà đạp nhẫn tâm bằng trò chơi lang chạ của người khác. Dã quỳ cùng khóc thầm với tôi...

Ngày trở về khi trực diện chia tay với người ấy, dã quỳ xơ xác cuối mùa, những đoá hoa héo úa tàn lụi trong gió lạnh, tôi chết 1 góc tâm hồn và thất vọng về con người.

Để rồi, trong rất nhiều đêm, dã quỳ rợp vàng trong giấc ngũ của tôi, khi nước mắt cứ trào mà trong hồn trống rỗng dù dặn mình cứng rắn tráng trai.

Mùa hoa bỏ lại - không, dã quỳ nào có tội gì, dã quỳ vẫn mãi rợp vàng trong ký ức của tôi.

Tôi chưa dám hẹn với dã quỳ ngày trở lại, nhưng, tôi sẽ về với dã quỳ, một mùa hoa không xa...

Photobucket

Còn sót tầm xuân

Hãy biết rằng anh là gã dại tình,

em cứ đi nếu lòng không vướng bận...

Nếu có chữ "Duyên - Nợ" trên cõi đời này, thì tuỳ duyên (như nhà Phật nói) nhưng không nợ. Cũng là không thể trói buộc vào nhau với 1 chữ tình...

Nhưng, có thể gọi là TÌNH không ? Khi lòng nhân thế khôgn còn chữ thuỷ chung , Chữ tình của mình nặng lắm, khi trót yêu ai và trao lời hẹn ước, thì mình giữ trọn vẹn cho tình ấy của mình.

Cuồng si như cháy bỏng gốc phượng già

anh đốt mình như mùa hè rực lửa.

Rực lửa, vì mùa hè năm ấy ta xa nhau mãi mãi, phải không em ? Anh cắn răng đến bật máu đôi môi khi bước chân xuống con đò trở về thành phố, đôi môi ấy đã trao cho em nghìn trăm nụ hôn ngào ngọt, cắn răng đến toé máu, để cho em an lòng mà làm trọn chữ hiếu với đấng sinh thành, cho cha mẹ có cháu nối dõi họ tộc tông đường.

và, anh cũng mãi mãi mang theo tiếng gọi nghẹn ngào của em trong buổi trưa mùa hè năm ấy. Cho đến tận bây giờ, có nhiều đêm thảng thốt giật mình trong giấc ngũ vì cứ ngỡ là em gọi anh...

LÊN ĐẦU TRANG