Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Cháu của tôi và những đứa em xa xứ

 

Dù là ảo hay thật, net hay đời thì mình vẫn là mình, không thể tách rời ra được. Có chăng, trên net, trên Blog, mình trải lòng ra và mong là sẽ được xẻ chia vui buồn, và, khi viết , khi đọc, chính là lúc chúng ta sống thật nhất. sống thật kể cả 2 mặt nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tại sao Walk lại nói như thế, vì nếu sống thật và chân thành, thì sự hồi đáp sẽ làm ta ấm lòng, dù ta chưa biết, chưa gặp, chưa trò chuyện ngoìa đời thật với bạn ảo trên net. Còn nguợc lại, nếu ta dùng Blog để chơi 1 trò chơi đặt cuợc bằng chính con nguời của mình, với những ý nghĩ đen tối nào đấy, thì dù được hay mất, ta cũng đã tự đánh mất cái nhân cách của mình.

Nhân đọc được nhiều entry tâm sự chia xẻ của các cô em gái trên Blog về những đau đáu xa quê, bươn chải và vật lộn với cuộc sống nơi xứ nguời,
Walk thương quá các em gái, những cô gái lấy chồng xa xứ, đơn thân nơi xứ nguời, thương và khâm phục các em đã vuợt qua hết mọi khó khăn kể cả bất hạnh để trụ lại và đứng vững được ở nơi mà chỉ có 1 mình bản thân các em phải chống chọi với mọi thứ.

 


Walk thương cũng bởi vì đứa cháu gái yêu quý gọi Walk bằng cậu cũng giống các em. Nó ra đi theochồng về nơi đất khách với 2 bàn tay trắng với 1 uớc mơ là sẽ tìm được cách giúp cậu, dì, và mẹ ( là những nguời đã nuôi duỡng dạy dỗ nó từ thuở nó mới chào đời mà đã không có cha, vì cha nó đã bỏ xác trên biển trong 1 chuyến vượt biển bất thành).

Cháu của Walk rất đẹp, nhưng chồng của nó thì xấu trai và nghèo. Nhưng khi chấp nhận để nuôi 1 niềm hy vọng, cháu của Walk  tập yêu chồng và vuợt qua mọi thứ để trụ lại và sống tiếp, hiện nay cháu đã ổn định và đang có job và bắt đầu giúp gia đình được, dù còn nghèo…

 

 

Đêm truớc ngày ra sân bay, cháu thức và tâm sự với cậu, cháu biết nếu ở lại thì cháu vẫn có công ăn việc làm tốt đẹp và vẫn có thể giúp đở gia đình. Nhưng điều mà cháu nói đã làm cả 2 cậu cháu bật khóc – Con muốn đi vì con tin là con có khả năng sống được và kiếm tiền được ở xứ nguời, để làm gì hả cậu ? Con không phải ham giàu hay chỉ biết sống cho bản thân con, con đi là vì con nhìn thấy truớc cái viễn cảnh vài năm nữa là cậu sẽ về hưu, với đồng luơng hưu trí, cậu lo cho cậu sống tử tế còn khó thì nói chi là cậu sẽ phụ giúp cho má năm, má sáu và mẹ con thời gian sau này. Con ra đi là để mong sau này cậu sẽ thảnh thơi an huởng tuổi già mà không phải vật lộn với mưu sinh cho cả nhà nữa. Ít nhất thì trong 5 năm nữa, con tự hứa với mình là sẽ thực hiện uớc mơ của cậu với ngoại là xây lại căn nhà của ngoại cho đàng hoàng và đẹp đẻ hơn, cậu đã không đủ khả năng để làm tròn mơ ước đó của ngoại khi còn sống, thì bây giờ con sẽ tiếp tục, để làm vong linh của ngoại mỉm cuời nơi chín suối…

 

Vậy đó, chữ nghĩa chữ nhân - chữ hiếu chữ thảo bao giờ cũng là 1 giá trị vĩnh cửu của nhân cách con nguời. Và entry này là để dành tặng cho cháu của Walk và các em, những cô gái xa quê nhưng luôn mang trong lòng tình cảm sâu nặng của máu mủ tình thâm và nhân nghĩa quê hương.

 




 

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Ta nghe từ thuở xa nhau - bạc đầu thương nhớ hanh hao lụy trần - về nghe phiến đá thở than - nước còn có chảy cho mòn nhớ nhung

Mưa - Cô đơn

Lẻ ra, tháng này phải là tháng bảy nếu không vì năm nhuận. Tháng bảy chia ly, tháng bảy của xá tội vong nhân, tháng bảy của trùng phùng Ngưu Lang Chức Nữ 1 năm chỉ có 1 ngày với Ô thước bắc cầu…

Tháng bảy của mưa Ngâu, chắc là thế vì suốt thời gian này , Sàigòn rất ít nắng, mưa gió âm u sụt sùi, và lạnh, chiều tối như Đà Lạt mùa hè. Thành phố rất dơ, nuớc đọng vũng, sình và ổ gà lầy lội với 1 số con đường bị ngập lụt. Nhớ tới lội nuớc mà kinh hãi, trời thì xối xả rát mặt, đất thì bì bỏm thành sông, xe thì chết máy, lạnh ngoài da mà trán sâm sấp mồ hôi vì hì hụi đẩy xe trong mưa và nuớc ngập.!

Mưa luôn luôn buồn và tạo cho mình cảm giác lo âu, luyến nhớ, bâng khuâng. Sợ nhất là ngồi 1 mình, bao nhiêu là kỉ niệm xưa cứ lũ lượt kéo về. Sợ nhất là mưa đêm, lạnh và cô đơn vô cùng. Cái cảm giác này không hẹn mà đến, không mời cũng tới, nữa đêm mà mưa sầm sập đổ là thức giấc trong tê tái, chăn cũng không đủ ấm, nhói 1 vầng ngực , và mất ngủ.

 

 

Cô Đơn.

Bài hát này Hà Trần hát quá hay, và nhạc chỉ đệm Piano như là lời khắc khoải, không tuyệt vọng mà vẫn le lói 1 chút hy vọng nào đó, dẫu là mơ hồ và không định hướng được.

Khởi đầu từ “Hạnh phúc “ , đến “mất mát” và “cô đơn”… Những kí ức ùa về , ùa về xao xác cả tâm hồn… Phải đã từng hạnh phúc thì khi mất mát mới cảm nhận được nó quý giá biết chừng nào. Và kỉ niệm sẽ đong đầy trong nỗi nhớ, nỗi nhớ khôn nguôi. Và sẽ vẫn hy vọng, hy vọng rằng đời mình vẫn còn có cơ hội để có được hạnh phúc. Vì đời đâu chỉ sống bằng quá khứ, mà tiếp tục mãi mãi, mãi mãi cho đến khi chìm trong giấc ngũ miên viễn không về nữa.

Cầu mong trên đời không còn ai sống đơn lẻ, không ai một mình….

 

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Hồn của đất

...........................

Nói đến Huế, không phải là những đền đài lăng tẩm nguy nga hay sông Hương núi Ngự đã khắc sâu vào tâm khảm con người Việt, không phải là những nẻo “đường phượng bay mù không lối vào - Trịnh”, cũng không phải là cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp – mà khắc sâu tha thiết đồng vọng âm ba khắc khoải vào tâm hồn của những con người xứ Huế, của những ai yêu Huế - là câu thơ của nhà thơ hoàng tộc Ưng Bình Thúc Gia Thị dưới đây :

*

Hồn của đất, bao la mà hàm chứa trong từng con người, hay là đất đã hoá thành người ! Hồn của đất, một vùng nước non sơn thuỷ hữu tình đã làm đắm say bao thế hệ, đi vào thi ca nhã nhạc, thấm sâu vào nỗi nhớ của một vùng đất. Ngày ấy, trong một chuyến tàu xuôi ra Hà Nội, đêm ngang qua Huế, tôi choàng tỉnh khi bạn bè lay thức để xem sông Hương, tôi hỏi tại sao lại gọi là sông Hương nhỉ ? Có ai đó trả lời vì có một nguồn hương của hoa trải dài trên khắp Hương Giang, tôi bật cuời với câu trả lời thi vị ấy. Nhưng đêm ấy, ngang qua sông Hương, tôi cứ ngở mình đã hít thở được cái vị ngan ngát của một dòng sông nổi tiếng của đất mẹ, dõi theo những con thuyền chài lập loè ánh đèn dầu leo lét trong đêm trăng, tôi nhận ra rằng, Huế bình yên và hiền hoà quá đỗi , qua cái đêm ấy, qua Hương Giang một thoáng tàu xuôi.

 

Trong lần đầu tiên đặt chân đến Huế, tôi bàng hoàng truớc vùng trời bao la ngập tràn sắc mây, những đồi núi chập chùng, những dòng sông lặng lờ chảy, thanh thản và an bình, ngợp, choáng ngợp trước vùng đất thuận hoà phong thủy, và tôi say , say trước cái yên ả của Huế vào buổi trưa , của lần đầu đến nơi ấy. Lần sau và lần sau nữa, tôi đã có một ngày thanh tịnh bên hồ Tịnh Tâm. Sen mùa hạ trắng muốt chập chờn theo gió, cái oi nồng buổi trưa mùa hè như được dịu mát theo mùi hương thoang thoảng của sen, tôi đã đọc tác phẩm “Đường xưa mây trắng” của Thầy Nhất Hạnh trong ngày hôm đó, và cũng là lần đầu tiên tôi biết được vì sao gọi là trà sen - một thú vui tao nhã của hoàng tộc và người dân xứ Huế - khi hứng sương đọng trên lá sen để làm nước đun trà, khi cho trà vào đáo sen hàmtiếu buổi hôm để sáng sớm mai lấy trà đã được sen ấp ủ qua đêm mà pha ấm tống trà thơm ngát. Có phải vì vậy mà hồ được gọi là hồ Tịnh Tâm ? Tôi không biết và không trả lời được về nguyên uỷ nguồn gốc của một địa danh. Nhưng chỉ biết rằng, ngày hôm đó, tâm hồn tôi thanh thản lắm khi đọc sách của Thầy Huyền Diệu bên hồ Tịnh Tâm… Khi lần đầu xuôi thuyền dọc sông Hương đi viếng lăng và Điện Hòn Chén, tôi mới cảm nhận được sự êm ả của một dòng sông đôi dòng trong đục, một dòng sông đẹp an nhiên với thi thoảng lắng nghe được những câu hò vẳng ra từ đâu đó trên những chiếc thuyền nan, và giọng hò thì rất - Huế.

 

Và, chiều tối đêm đó, bứơc xuống thuyền rồng trong ánh hoàng hôn, tôi được nghe lại điệu hò Phú Vân Lâu, nghe ca Huế, nghe ngựa ô Bắc-Trung-Nam… Phải chăng ca huế chỉ lột tả hết được cái thần khi do chính cô gái Huế hát và hát trên dòng xuôi Hương Giang đêm đó “ Ngựa ô, í a, ngựa ô…” Tôi thề rằng chưa từng nghe ai hát hay như thế trên chiếc thuyền rồng đêm ấy. Duyệt Thị Đường, nhã nhạc cung đình, múa hoa đăng… những tinh hoa ấy của hồn Huế chỉ được thấu thị hết khi ta lắng nghe và muc thị ở Duyệt Thị Đường. Huyềntích Chùa Thiên Mụ với tầng tháp vút cao song hành bên sông Hương, nét cổ kính rêu phong toát lên thời gian trầm mặc của Phật pháp, ta có vô ưu khi nhge tiếng chuông chùa Linh Mụ ? Kiều có tràm mình xuống Tiền Đường không nếu nàng lạc buớc vào vùng đất Phật này ? Hay Kiều tri ngộ tri giác mà không cần đến tấm lòng cứu độ của vãi Giác Duyên ! Trong các lăng tẩm đền đài của hoàng triều vưong giả, tôi nghiêng mình ngưỡng mộ lăng Tự Đức, một lăng tẩm của đứa con hiếu thảo, quần thể lăng toát lên cái hồn của tấm lòng đứa chon thuận thảo, ôn hoà và tài hoa của một hoáng triều hùng mạnh. Lăng Tự Đức không xa hoa như Lăng Khải Định, không mênh mang như Lăng của các vì Vua khác, nhưng L8ang Tự Đức toát lên cái tài hoa của một vì Vua nhân đức, kiến TRÚC CỦA Lăng là một tổng thể hài hoà, bình dị mà vẫn uy nghi, và trên tất cả là Mái nhà thờ phụng đấng sinh thành phụ mẫu. Viếng các Lăng, ta mới cảm nhận được vì sao Bà Huyện Thanh Quan đã viết : “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo nền cũ lâu đài bóng tịch dương…” Những thăng trầm biến đổi của lịch sử, của các thể chế là đây, hoàng triều xưa trong bóng tịch dương, và ta cứ hỏi “ ngừơi xưa đâu, nguời xưa đâu…?”. ĐẤT HOÁ HỒN NGƯỜI. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền…(Hàn Mặc Tử)” Thuở chàng thi sĩ cuồng trăng về thăm thôn Vỹ, cô gái Huế ngày ấy có e ấp hẹn thùng không ? Tôi không biết, nhưng tôi chắc rằng Hàn đã đắm say khúc tình ca xứ Huế.

 

 

Đã gặp, đã tiếp xúc, đã thấy và nghe các cô gái trên khắp mọi miền đất nước, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên với cái giọng nhỏ nhẻ, dịu dàng và êm ru của cô gái Huế> Tôi mê nghe giọng nói của các cô gái Huế, không ríu rít như cô gái Hà Nội, không chân chất mộc mạc như cô gái Nam bộ, không trọ trẹ quá nặng như cô gái Truing bộ, giọng nói của cô gái Huế nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng gần như thỏ thẻ , không điệu đàng mà e ấp làm ta đắm say lòng. Giọng nói ấy có phải được hình thành từ Hương Giang êm ả, có phải được bóng cả Ngự Bình chở che nên chất ngất luyến lưu ? Có phải vì vậy, mà thi sĩ họ Hàn và biết bao thi nhân đã quy phục khi về thăm thôn Vỹ ? Thuở mới dậy thì, nhóm bạn của tôi đã quen được với một đôi tình nhân xứ Huế trong một lần cắm trại ở núi Bửu Long, một đôi tình nhân mà chúng tôi đều nhất trí là quá đẹp đôi. Chàng tên là Kiến Trung, nàng tên là Diệu Hương, và nhóm chúng tôi là em kết nghĩa của anh chị ấy. Chị Diệu Hương, em nhớ chị. Em nhớ nhất cái thói quen đáng yêu của chị mà đã trở thành thói quen của em sau này. Cứ mỗi mùa Vu Lan, chị Diêu Hương đến nhà từng đứa em, cài lên áo mỗi đứa một hoa hồng đỏ, và tặng cho cái thiệp có bài thơ “Bông hồng cài áo” của Thầy Nhất Hạnh, chị yêu cầu đắt chị vào chào mẹ của em và chúc mẹ sức khoẻ, chúc em luôn là đứa con ngoan của mẹ… Hai năm sau, nhóm chúng tôi bàng hoàng khi nghe tin anh Trung đạp đinh và vết thương bị hoại tử phải cưa chân, anh quyên sinh vì không muốn chị Hương phả làm vợ một người tàn tật. Đêm cuối cùng chia tay với chi sau khi tiễn anh về nghĩa trang, chị từ biệt chúng tôi và bắt chúng tôi hứa rất nhiều, chị trở về đất Mẹ và không muốn chúng tôi liên lạc nữa, vì chị đã quyết định dâng mình vào cửa Phật… Tôi yêu Huế không phải vì vẻ đẹp của Huế, mà chính là qua những con người xứ Huế, qua chị Hương và anh Trung, qua những tấm áo dài của các o, các mệ đi chợ quang gánh mà vẫn khép nép hai tà áo dài. Chiếc áo tím Đồng Khánh mà tôi mơ qua những trang thơ ngày xưa bây giờ dù vắng bóng ít nhiều hoặc thay bằng những tà áo trắng, thì vẫn đẹp hồn hậu trong ký ức của tôi, những cánh bướm bay chấp chới qua cầu Tràng Tiền sớm trưa bên chiếc lá nón lá nghiêng nghiêng che nắng thấp thoáng bài thơ sông Hương núi Ngự.

 

5 năm trước, lúc chị Đào Hoa Nữ (nhiếp ảnh gia) tặng tôi cái album CD software “Huế - Tình yêu của tôi”, chị chỉ nói rất nhẹ, Huế là đất mẹ của chị và là tình yêu của chị, chị tặng em để em dù không phải là con dân xứ Huế, thì em vẫn hiểu vì sao chị yêu Huế đến thế… Vâng, chị Nữ ạ, emđã hiểu , “Huế - tình yêu của tôi” trong chị, và bây giờ em cũng đã yêu Huế, cho phép em gọi “ Huế - tình yêu của em”

 

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2009

Sự độc ác là không có giới hạn

 

.................................................(nguồn : từ Blog của QDC)

Bạn có phẩn nộ khi xem cái clip này không ? Nếu là cha hay mẹ của đứa trẻ trong clip thì bạn sẽ làm gì ?

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Vỹ Dạ




Phu Văn Lâu




Thuý Nga Paris 96 - 1 sự phản cảm & Con đường tình ta đi - Những Diva gượng ép

Lâu rồi ít xem DVD ca nhạc, mấy ngày qua tự nhiên thèm, rinh về mấy disc luôn, coi cho đã….

Phạm Duy  - Con đường tình ta đi

Disc này sân khấu dựng rất đẹp, nhưng tiếc là kĩ thuật quay ánh sáng  hơi tối nên xem disc mà thấy huyền bí dễ sợ.

Xem để thấy thương và thấy tiếc những ca khúc mà Thái Thanh đã định vị cho Phạm Duy. Nhất là bài hát “Em lễ chùa này”, trong DVD, Khánh Linh hát chưa tới cho lắm, phần trong sáng thì quá điệu, phần tiếc nuối thì lại hơi nhí nhảnh, chỉ có Thái Thanh chứ không ai hát hay và tới ca khúc này.

Mỹ Linh hát “Kiếp nào có yêu nhau” khá hay, nhưng chất giọng của Mỹ Linh hơi thổ nên phần khóc gào của ca khúc “ Kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau, hoa xanh chưa nở ….” thì hơi bị hẩng 1 chút.

Phản cảm nhất chính là Thanh Lam – hát “Đố ai” và “ Phượng yêu” nghe kinh hãi quá. Phượng đáng yêu như thế mà gào hú nghe mà rùng mình, “Đố ai” nhí nhảnh hồn nhiên đến thế (như cách Thanh Lan hát), mà pà này há hốc miệng nhăn mặt nhíu mày giống như là …. Là gì nhỉ ? À, như khỉ ăn ớt…. hehehe. Nói chung, Walk dị ứng với cái cách Feel của nàng Thanh Lam này. Chất giọng khàn đục và ấm của nàng ta hơi giống ca sĩ Mỹ Thễ ngày xưa, nhưng được dư luận quá nuông chiều và bơm quá mức mà biến thái cách hát ghê quá. Ai thích, ai tôn sùng và phong Thanh Lam là Diva thì kệ họ. còn Walk bỏ tiền mua disc để xem thì biến, tua qua cái bà ca sĩ khỉ ăn ớt này cho lẹ.

Tuấn Ngọc thì lại càng đáng tiếc hơn khi bê nguyên xi cách hát trong Khúc Thuỵ Du” để hát “ Tình cầm” trong DVD này, Walk nghe không vô, Tình Cầm phải hát dịu dàng tiếc nuối như Duy Quang, hay hát đớn đau nghẹn ngào bùi ngùi như Elvis Phương thì mới hay, hát lạnh như Tuấn Ngọc thì rõ ràng là không đạt rồi…

Bởi thế, DVD này coi được thôi, chứ không hay như mấy DVD truớc của Phạm Duy.

 

*Note : Walk dẫn cái link làm bằng chứng cho bài viết, chứ thiệt tình Walk không dám xem lại clip này nữa

Thuý Nga Paris 96 - Những tình khúc theo yêu cầu.

Nên gọi là dòng nhạc hay thể loại nhạc hay gì gì nhỉ ???  Không biết, nhưng theo Walk, có những tác giả không nên đặt kế bên nhau và song hành với nhau. Có thể ghép các  ca khúc của Duy Khánh – Lam Phương – Song Ngọc - Nhật Trường song hành với nhau thì cũng tốt. Nhưng Phạm Duy là Phạm Duy, Văn cao là Văn Cao, Trịnh là Trịnh, đó là những nhạc sĩ lớn tầm cở với phong cách sáng tác rất riêng không thể hoà lẫn với ai được. Không ngờ 1 nhà tổ chức tầm cở kinh nghiệm như Thuý  Nga Paris lại thô thiển và ấu trĩ như thế trong cái DVD này. Kể cả cách chọn ca sĩ cũng thế.

Bằng Kiều và Hà Trần rõ ràng là 2 đối cực về chất giọng và phong cách, đó là 1 điểm, nếu tính thêm cho cả 2 cùng hát song ca với nhau bài “Mộng duới hoa” thì thật là sai lầm, nghe rất sạn và rất tức cuời, dù Hà Trần đã hết sức cố gắng.

Hoàng Oanh hay Thanh Tuyền cùng phối giọng với Mai Thiên Vân thì khá hay  nhưng….Điều phản cảm gây Shock nơi Walk đến độ phải Turn off cái DVD này chính là nhà tổ chức chương trình đã ghép 3 ca khúc  theo thứ tự “ Một cõi đi về - Thành phố buồn – Như cành vạc bay “ thành 1 liên khúc do Khánh Ly và Chế Linh hát. Trời đất, giọng của Chế Linh làm sao hát nhạc Trịnh ? Đã thế lại song ca CÙNG Khánh Ly ở bài cuối là Như cánh vạc bay !!!.  Phản cảm hết sức và thấy tội cho Khánh Ly lẫn Chế Linh hết sức.

Và, tiếc cho Khánh Ly, khi chị chấp nhận trình diễn như thế này thì rõ ràng là chị đã không biết tự trọng và không biết tự bảo vệ cái ánh hào quang mà anh Sơnđã dày công vun đắp cho chị. Khánh Ly đã tự lột cái mặt nạ sân khấu của ình với 2 chữ hết thời khi nhận lời trình diễn như thế này. Haizzzz

                             

 

LÊN ĐẦU TRANG