Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Siêu dự án ngăn biển

Hơn 66.000 tỉ đồng là tổng kinh phí dự kiến thực hiện dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công và các công trình liên quan.

“Hiện nghiên cứu về dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công cơ bản đã làm xong. Nhóm nghiên cứu đang hoàn tất báo cáo chính thức để trình Thủ tướng thông qua một số nội dung” - ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thông tin. Nghiên cứu trên do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Trường ĐH Thủy lợi và ĐH Kiến trúc TP.HCM phối hợp thực hiện theo đề xuất của Bộ NN&PTNT.

Sơ đồ dự kiến tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Ảnh: Internet

Chống lũ và xâm nhập mặn

Theo thiết kế, tuyến đê biển xuất phát từ Gò Công (Tiền Giang) đến gần TP Vũng Tàu (cách 5 km), nối tiếp với tuyến đê nhỏ đi vào rừng Cần Giờ, TP.HCM. Tuyến đê chính dài 28 km, rộng 30 m, sâu trung bình 6,5 m. Trên tuyến đê có một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 700 m, sâu 12 m kết hợp với âu thuyền cho tàu 30.000 tấn. Tuyến đê sẽ kết nối với TP Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng khoảng 22 m, dưới cầu các loại tàu bè có thể ra vào vịnh Gành Rái bình thường. Tuyến đê phụ dài 13 km nối từ đầu cầu phía đê chính đi vào Cần Giờ, chạy dọc đê phụ là dải đất rộng 1.000 m.

Tuyến đê sẽ được làm bằng cừ bê tông cốt thép dự ứng lực, mái đê phía trong rộng khoảng 3 m được đắp bằng cát, sau đó thả đá hộc. Chân mái đê phía bờ được gia cố bằng đá hộc. Nền đê được gia cố bằng cọc cát rộng 40 cm, dài 10 m. Theo phương án trên, tuyến đê sẽ tạo ra một hồ chứa rộng 43.000 ha, tổng dung tích 2,5-3 tỉ m3 nước. Ngoài ra, trên sông Lòng Tàu
(TP.HCM) còn được xây một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 200 m, sâu 12 m kết hợp với âu thuyền cho tàu 20.000 tấn.

Với những hạng mục trên, mục tiêu chính của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP.HCM, trước mắt và lâu dài (khi mực nước biển dâng thêm 0,75-100 cm). Dự án cũng tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Gò Công, Long An. Ngoài ra, dự án còn phòng, chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP.HCM và vùng lân cận với diện tích hơn 1 triệu ha. Về lâu dài, khu vực phía trong đê biển sẽ chuyển thành hồ chứa nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười.

Nhà nước chỉ đầu tư 15%-20%?

“Khi tuyến đê biển hình thành, dự kiến có năm khu vực được dành cho phát triển đô thị mới gồm đô thị Vũng Tàu mở rộng, khu đô thị sinh thái Cần Giờ, đô thị sinh thái dọc tuyến đê phụ, đô thị khoa học biển và đô thị dịch vụ kinh tế biển” - một chuyên gia tham gia nghiên cứu dự án cho biết.

Được biết tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 66.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây đê biển là 50.000 tỉ đồng. Vậy nguồn vốn khổng lồ này được lấy từ đâu? Nhóm nghiên cứu cho hay Nhà nước chỉ đầu tư khoảng 15%-20% tổng kinh phí, còn lại được thực hiện xã hội hóa theo cơ chế đổi đất lấy tiền. “Ngoài 43.000 ha mặt nước, dự án còn tạo nên một quỹ đất rộng 8.000 ha ở vùng trũng TP.HCM. Nếu tính với giá đất bình quân huyện Nhà Bè là 2 triệu đồng/m2 và giả định chỉ quy hoạch phát triển khoảng 50% diện tích đất nói trên, Nhà nước sẽ thu về 80.000 tỉ đồng” - báo cáo phân tích.

Cũng theo phương án trên, trong 43.000 ha lòng hồ, đơn vị thực hiện dự án sẽ đề nghị Chính phủ cho phép lấy cát lòng hồ để san nền 3.000 ha và sử dụng 10.000 ha mặt nước để xây dựng các khu đô thị. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xã hội hóa những diện tích này đều được dùng để xây dựng đê biển.


Nguồn : http://phapluattp.vn/20120130124338697p0c1085/bai-1-sieu-du-an-ngan-bien.htm

5 nhận xét:

  1. Tiêu điểm

    5.000

    tỉ đồng là số tiến cần có để thực hiện khảo sát, thiết kế. Cụ thể, sau khi hoàn tất báo cáo, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Chính phủ phê duyệt quy hoạch và cho phép triển khai lập báo cáo đầu tư. Nếu báo cáo chuẩn bị đầu tư được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần cấp khoảng 5.000 tỉ đồng để Bộ NN&PTNT thực hiện khảo sát, thiết kế.

    Sao phải bắt chước Hà Lan?

    Ý tưởng đê quai lấn biển Vũng Tàu - Gò Công và ý tưởng cống tại các cửa các sông lớn gần như xuất phát từ những gì Hà Lan đã làm. Vì thế, tôi xin liên hệ đến những kinh nghiệm rút ra từ trường hợp Hà Lan.

    Hà Lan có khoảng 27% diện tích đất nằm dưới mực nước biển. Trong khi đó, ĐBSCL chưa sống dưới mực nước biển, nước biển dâng cũng không cao như Hà Lan. Người dân đã có kinh nghiệm chung sống với lũ và cũng quen chung sống với nước nhiễm mặn. Mực nước biển dâng là quá trình tiệm tiến, ĐBSCL có đủ thời gian để ứng phó, tổ chức và chọn phương thức thích nghi tối ưu. Hà Lan có yêu cầu bức xúc vì đang sống dưới mực nước biển nhưng họ cũng nhận ra rằng một hệ thống phòng thủ đối với nước không chỉ có các biện pháp kỹ thuật hoặc xây dựng đê! Dù bị nước uy hiếp nhưng họ vẫn có chủ trương “Dành nhiều không gian hơn cho nước”. Vậy tại sao chúng ta phải làm như Hà Lan?

    GS-TS NGUYỄN NGỌC TRÂN, chuyên gia cao cấp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL

    Trả lờiXóa
  2. Thanks Ka.Đọc trên Mul rõ hơn.:)

    Trả lờiXóa
  3. chưa biết sao nữa, vì dự án đã có phản hồi là không phù hợp

    Trả lờiXóa
  4. Dự án này từng bị các chuyên gia góp ý, phân tích có, phản đối cũng nhiều, vì có thể gây xáo động môi trường sinh thái.

    Trả lờiXóa

LÊN ĐẦU TRANG