Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008

Hồn của đất - Đất hoá hồn người

HỒN CỦA ĐẤT

.

Nói đến Huế, không phải là những đền đài lăng tẩm nguy nga hay sông Hương núi Ngự đã khắc sâu vào tâm khảm con người Việt, không phải là những nẻo “đường phượng bay mù không lối vào - Trịnh”, cũng không phải là cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp – mà khắc sâu tha thiết đồng vọng âm ba khắc khoải vào tâm hồn của những con người xứ Huế, của những ai yêu Huế - là câu thơ của nhà thơ hoàng tộc Ưng Bình Thúc Gia Thị dưới đây :

Hồn của đất, bao la mà hàm chứa trong từng con người, hay là đất đã hoá thành người ! Hồn của đất, một vùng nước non sơn thuỷ hữu tình đã làm đắm say bao thế hệ, đi vào thi ca nhã nhạc, thấm sâu vào nỗi nhớ của một vùng đất.

Ngày ấy, trong một chuyến tàu xuôi ra Hà Nội, đêm ngang qua Huế, tôi choàng tỉnh khi bạn bè lay thức để xem sông Hương, tôi hỏi tại sao lại gọi là sông Hương nhỉ ? Có ai đó trả lời vì có một nguồn hương của hoa trải dài trên khắp Hương Giang, tôi bật cuời với câu trả lời thi vị ấy. Nhưng đêm ấy, ngang qua sông Hương, tôi cứ ngở mình đã hít thở được cái vị ngan ngát của một dòng sông nổi tiếng của đất mẹ, dõi theo những con thuyền chài lập loè ánh đèn dầu leo lét trong đêm trăng, tôi nhận ra rằng, Huế bình yên và hiền hoà quá đỗi , qua cái đêm ấy, qua Hương Giang một thoáng tàu xuôi.


Trong lần đầu tiên đặt chân đến Huế, tôi
bàng hoàng truớc vùng trời bao la ngập tràn sắc mây, những đồi núi chập chùng, những dòng sông lặng lờ chảy, thanh thản và an bình, ngợp, choáng ngợp trước vùng đất thuận hoà phong thủy, và tôi say , say trước cái yên ả của Huế vào buổi trưa , của lần đầu đến nơi ấy.

Lần sau và lần sau nữa, tôi đã có một ngày thanh tịnh bên hồ Tịnh Tâm. Sen mùa hạ trắng muốt chập chờn theo gió, cái oi nồng buổi trưa mùa hè như được dịu mát theo mùi hương thoang thoảng của sen, tôi đã đọc tác phẩm “Đường xưa mây trắng” của Thầy Nhất Hạnh trong ngày hôm đó, và cũng là lần đầu tiên tôi biết được vì sao gọi là trà sen - một thú vui tao nhã của hoàng tộc và người dân xứ Huế - khi hứng sương đọng trên lá sen để làm nước đun trà, khi cho trà vào đoá sen hàm tiếu buổi hôm để sáng sớm mai lấy trà đã được sen ấp ủ qua đêm mà pha ấm tống trà thơm ngát.

Có phải vì vậy mà hồ được gọi là hồ Tịnh Tâm ? Tôi không biết và không trả lời được về nguyên uỷ nguồn gốc của một địa danh. Nhưng chỉ biết rằng, ngày hôm đó, tâm hồn tôi thanh thản lắm khi đọc sách của Thầy Nhất Hạnh bên hồ Tịnh Tâm…

Khi lần đầu xuôi thuyền dọc sông Hương đi viếng lăng và Điện Hòn Chén, tôi mới cảm nhận được sự êm ả của một dòng sông đôi dòng trong đục, một dòng sông đẹp an nhiên với thi thoảng lắng nghe được những câu hò vẳng ra từ đâu đó trên những chiếc thuyền nan, và giọng hò thì rất - Huế.

Và, chiều tối đêm đó, bứơc xuống thuyền rồng trong ánh hoàng hôn, tôi chợt xót lòng khi nhớ lại bài thơ " Cô lái sông Hương" của Tố Hữu :

"Trên dòng Hương Giang, em buông mái chèo, trời trong veo... "

Những kiếp đời ca kỷ thời nào ấy, nay còn không , những mảnh đời bán mình lơ lửng trên dòng sông trong trẻo !!!

tôi thở nhẹ và thoát khỏi ám ảnh khi được chào đón bằng những tà áo dài tím phớt và hồng cánh sen, tôi được nghe lại điệu hò Phú Văn Lâu, nghe ca Huế, nghe ngựa ô Bắc-Trung-Nam… Phải chăng ca huế chỉ lột tả hết được cái thần khi do chính cô gái Huế hát và hát trên dòng xuôi Hương Giang đêm đó “ Ngựa ô, í a, ngựa ô…” Tôi thề rằng chưa từng nghe ai hát hay bài ngựa ô như thế trên chiếc thuyền rồng đêm ấy. Nghe ca Huế xong, các cô gái Huế trong tà áo dài, dịu dàng đốt lên những chiếc đèn lồng hình cánh sen, và cũng rấtdịu dàng, nhẹ nói, Huế và Hương Giang sẽ mang lời nguyện ước của quý khách qua ngọn đèn này trôi đến nơi đắc nguyện, chúng em xin mời quý khách... Tôi thả chiếc đèn vào lòng sông Hương, mà nghe thanh thoát lời cầu khấn, tôi cầu xin mảnh đất văn vật nghìn năm này, dòng sông này cho tôi tìm đ7ợc người duy nhất của mình, và cho Mẹ có thêm nhiều sức khoẻ để vượt qua cơn bạo bệnh tuổi già... Cô gái Huế reo lên, đèn của quý khách cháy sáng quá, trôi xa quá, em tin là ước nguyện của qúy khách sẽ chứng thành. Có hay không ? hay là vì chỉ nên cầu một điều duy nhất ? Người ta đã phụ tình tôi, nhưng tôi an ủi vì Mẹ đã vượt qua được bạo bệnh và sống được thêm 3 năm nữa...

Duyệt Thị Đường, nhã nhạc cung đình, múa hoa đăng… những tinh hoa ấy của hồn Huế chỉ được thấu thị hết khi ta lắng nghe và mục thị ở Duyệt Thị Đường.

Huyền tích Chùa Thiên Mụ với tầng tháp vút cao song hành bên sông Hương, nét cổ kính rêu phong toát lên thời gian trầm mặc của Phật pháp, ta có vô ưu khi nhge tiếng chuông chùa Linh Mụ ? Kiều có trầm mình xuống Tiền Đường không nếu nàng lạc buớc vào vùng đất Phật này ? Hay Kiều tri ngộ tri giác mà không cần đến tấm lòng cứu độ của vãi Giác Duyên !

Trong các lăng tẩm đền đài của hoàng triều vưong giả, tôi nghiêng mình ngưỡng mộ lăng Tự Đức, một lăng tẩm của đứa con hiếu thảo, quần thể lăng toát lên cái hồn của tấm lòng đứa con thuận thảo, ôn hoà và tài hoa của một hoàng triều hùng mạnh. Lăng Tự Đức không xa hoa như Lăng Khải Định, không mênh mang như Lăng của các vì Vua khác, nhưng Lăng Tự Đức toát lên cái tài hoa của một vì Vua nhân đức, kiến trúc của Lăng là một tổng thể hài hoà, bình dị mà vẫn uy nghi, và trên tất cả là Mái nhà thờ phụng đấng sinh thành phụ mẫu.

Viếng các Lăng, ta mới cảm nhận được vì sao Bà Huyện Thanh Quan đã viết :

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

nền cũ lâu đài bóng tịch dương…”

Những thăng trầm biến đổi của lịch sử, của các thể chế là đây, hoàng triều xưa trong bóng tịch dương, và ta cứ hỏi “ ngừơi xưa đâu, nguời xưa đâu…?”.

ĐẤT HOÁ HỒN NGƯỜI.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền…(Hàn Mặc Tử)”

.

Thuở chàng thi sĩ cuồng trăng về thăm thôn Vỹ, cô gái Huế ngày ấy có e ấp thẹn thùng không ? Tôi không biết, nhưng tôi chắc rằng Hàn đã đắm say khúc tình ca xứ Huế.

"Đây cầu Gia Hội, chiều Đông Ba, chốn xa, đây Chùa Thiên Mụ mờ sương, và đây Vỹ Dạ đêm trường. Trăng về chưa ấm lại dòng Hương ? - Sầu Cố Đô - Nghe ở Clip bên trên)"

Đã gặp, đã tiếp xúc, đã thấy và nghe các cô gái trên khắp mọi miền đất nước, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên với cái giọng nhỏ nhẻ, dịu dàng và êm ru của cô gái Huế. Tôi mê nghe giọng nói của các cô gái Huế, không ríu rít như cô gái Hà Nội, không chân chất mộc mạc như cô gái Nam bộ, không trọ trẹ quá nặng như cô gái Trung bộ, giọng nói của cô gái Huế nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng gần như thỏ thẻ , không điệu đàng mà e ấp làm ta đắm say lòng. Giọng nói ấy có phải được hình thành từ Hương Giang êm ả, có phải được bóng cả Ngự Bình chở che nên chất ngất luyến lưu ? Có phải vì vậy, mà thi sĩ họ Hàn và biết bao thi nhân đã quy phục khi về thăm thôn Vỹ ?

"Nam Giao chiều nao nao nắng đổ, về xuôi Bến Ngự, mang mang câu hò, nghe nặng tình quê. Đêm nay , mưa về hoàng thành, vẳng tiếng ca cầm, trĩu nặng lòng đau, anh hởi anh ! - Sầu cố đô)

Thuở mới dậy thì, nhóm bạn của tôi đã quen được với một đôi tình nhân xứ Huế trong một lần cắm trại ở núi Bửu Long, một đôi tình nhân mà chúng tôi đều nhất trí là quá đẹp đôi. Chàng tên là Kiến Trung, nàng tên là Diệu Hương, và nhóm chúng tôi là em kết nghĩa của anh chị ấy.

Chị Diệu Hương, em nhớ chị. Em nhớ nhất cái thói quen đáng yêu của chị mà đã trở thành thói quen của em sau này. Cứ mỗi mùa Vu Lan, chị Diệu Hương đến nhà từng đứa em, cài lên áo mỗi đứa một hoa hồng đỏ, và tặng cho cái thiệp có bài thơ “Bông hồng cài áo” của Thầy Nhất Hạnh, chị yêu cầu dắt chị vào chào mẹ của em và chúc mẹ sức khoẻ, chúc em luôn là đứa con ngoan của mẹ… Hai năm sau, nhóm chúng tôi bàng hoàng khi nghe tin anh Trung đạp đinh và vết thương bị hoại tử phải cưa chân, anh quyên sinh vì không muốn chị Hương phải làm vợ một người tàn tật và niềm hy vọng cứu chữa quá mong manh khi hoại tử đã lan rộng... Đêm cuối cùng chia tay với chị sau khi tiễn anh về nghĩa trang, chị từ biệt chúng tôi và bắt chúng tôi hứa rất nhiều, chị trở về đất Mẹ và không muốn chúng tôi liên lạc nữa, vì chị đã quyết định dâng mình vào cửa Phật…

Nếu giữa hai bài hát : "Ai ra xứ Huế " và "Sầu cố đô", bắt tôi chọn một, thì tôi sẽ chọn bài "Sầu cố đô", vì sao ? Bài hát man mác buồn, không phải là lời trách hờn hay lời vọng phu buồn tủi, mà chỉ là nhỏ nhẹ của một tình chung, gần như là lời van vỉ cầu mong người xưa quay về chốn cũ, nơi biết bao kỷ niệm còn in dấu, nơi mà người tình chung đang mòn mỏi đợi chờ với lời hứa thuỷ chung. Ơi, lời của người nguời con gái đất cố đô trong đêm mưa về hoàng thành. Đêm mưa mà tiếng ca cầm từ trăm năm trước đã vọng về, tiếng ca cầm đã đẩy đưa người tình mau quên mãi chạy theo lời ong bướm...

Tôi yêu Huế không chỉ vì vẻ đẹp của Huế, mà chính là qua những con người xứ Huế, qua chị Hương và anh Trung, qua những tấm áo dài của các o, các mệ đi chợ quang gánh mà vẫn khép nép hai tà . Chiếc áo tím Đồng Khánh mà tôi mơ qua những trang thơ ngày xưa bây giờ dù vắng bóng ít nhiều hoặc thay bằng những tà áo trắng, thì vẫn đẹp hồn hậu trong ký ức của tôi, những cánh bướm bay chấp chới qua cầu Tràng Tiền sớm trưa bên chiếc lá nón lá nghiêng nghiêng che nắng thấp thoáng bài thơ sông Hương núi Ngự.

5 năm trước, lúc chị Đào Hoa Nữ (nhiếp ảnh gia) tặng tôi cái album CD software “Huế - Tình yêu của tôi”, chị chỉ nói rất nhẹ, Huế là đất mẹ của chị và là tình yêu của chị, chị tặng em để em dù không phải là con dân xứ Huế, thì em vẫn hiểu vì sao chị yêu Huế đến thế…

Vâng, chị Nữ ạ, em đã hiểu , “Huế - tình yêu của tôi” trong chị, và bây giờ em cũng đã yêu Huế, cho phép em gọi “ Huế - tình yêu của em” ...

(Phim trích từ nguồn CD "Huế - tình yêu của tôi" của nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ)

PS : Đau lòng quá, sáng nay (9/6) , đầu tuần, mở tờ báo ra đọc , thấy các triển lãm sắp đặt trong Festival Huế 2008 bị tàn phá, ĂN CẮP, phá hoại... Không biết là ai, du khách hay con dân xứ Huế ? Nhưng mà, cái văn hóa ứng xử hành vi xuống cấp đến như thế sao ? từ Hội hoa Xuân ở Sài gòn đến đất nghìn năm văn vật Hà Nội cũng thế ( bẻ và hái trụi hoa đào trong Liên Hoan Việt-Nhật), và bây giờ đến đất cố đô thần kinh... Trời, đau lòng quá, dù biết rằng chỉ là cá biệt ở một thiểu số người nào đấy, nhưng chả lẻ cái nhân cách của họ xuống cấp đến độ đi phá hoại nơi chính vùng đất linh thiêng của mình, nơi mà cả thế giới đang theo dõi một nền văn hoá phi vật thể... Trời ơi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG