Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Tự truyện "Bóng" - Tự truyện của một người đồng tính - Phần 4

*** Nguồn từ http://tackeblog.multiply.com/journal/item/1026/1026

 

----------------------------------------------------------------

 

Bao giờ đến ngày chia tay?

Tôi gặp Dương khi tóc đã đốm bạc, mắt phải đeo kính lão nhẹ, tuổi đã gần đến đầu bốn. Có phải vì thế mà nhu cầu tình cảm và cả tình dục trong tôi không còn nhiều nữa? Cũng có thể một phần nguyên nhân của sự “tắt lửa lòng” là do tôi đã ra công khai. Từ ngày chính thức cho mọi người biết về tình trạng giới tính của bản thân, tôi không còn phải yêu đương vụng trộm giấu giếm nữa.

Lẽ thường là ăn vụng bao giờ cũng ngon, còn khi đã được ăn chính thức, no nê thừa mứa ra, thì người ta chẳng thèm nữa. Tôi không yêu Dương nồng cháy, mãnh liệt như đã từng trải qua trong các mối tình trước: anh bán vé tàu điện, Hưng, Nhân, và vô số cuộc tình chớp nhoáng. Mọi sự diễn ra bình bình, êm ả.

Đôi khi tôi thầm tiếc, giá tôi gặp Dương sớm hơn, hoặc là giá những người yêu trước của tôi đều như Dương, thì những năm tuổi trẻ của tôi đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng nói là nói vậy, tôi vẫn hiểu rằng tìm được một người như Dương ở đất này hơi khó. Có một bạn tình tử tế, đứng đắn, đàng hoàng như thế, tôi còn mơ mộng gì nữa?

Và cũng vì thế, tuy không thật sự yêu Dương đắm đuối, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm kiếm một mối quan hệ khác, dẫu chỉ để cho vui. Phụ tình thì tình phụ. Tôi không thể nghĩ đến người nào khác ngoài Dương, bởi khi đó tôi sẽ có cảm giác mình mắc lỗi với Dương. Tôi phải dừng lại, dừng tất cả những cuộc tình một đêm một thoáng trăng hoa lại. Cứ tưởng tượng cảnh Dương ở nhà chờ tôi, còn tôi thì ngủ vụng trộm với người đàn ông khác ở khách sạn, thì thấy tội đó thật đáng để voi giày ngựa xéo.

Và chúng tôi sống bên nhau thanh bình, yên ả. Tôi hay đùa: “Không ngờ cuối đời Lan lại gặp Điệp, Điệp gặp Lan thế này, Dương ạ”. Từ năm 2004 đến nay, thấm thoắt đã bốn năm. Đây là mối tình kéo dài nhất và yên ổn nhất của tôi.

Nhưng, bạn biết không, ngay cả những lúc hạnh phúc nhất, tôi vẫn hiểu rằng cuộc tình này của chúng tôi sẽ không thể kéo dài mãi mãi cho đến lúc cả hai cùng “đầu bạc răng long” như người ta thường nói. Cuộc đời tôi – cuộc đời của một kẻ đồng tính – không bao giờ là chuyện cổ tích. Câu chuyện cổ sẽ kết thúc khi Dương lấy vợ, mà điều đó sẽ phải đến thôi, tôi ý thức được nó lắm. Tôi đã xác định sẵn rằng Dương chỉ có thể ở với tôi thêm hai, ba năm nữa là cùng thôi. Năm nay hắn hăm ba rồi.

Khi ngày chia tay đến, tôi sẽ buồn hay không? Có chứ, không thể nào không buồn được vì đó cũng là một sự mất mát, và nói gì thì nói, tôi vẫn muốn thời gian tôi ở bên Dương như thế này kéo dài càng nhiều càng tốt. Nhưng tôi tin rằng nỗi buồn một mai kia sẽ đến nhẹ nhàng, không gây ra khủng hoảng, không làm tôi mất thăng bằng. Bởi vì tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nó rồi.

Ông bà ta xưa có câu “Thờn bơn chịu chết một bề”, đúng là tâm lý của tôi hiện nay. Tôi đã có tuổi, đã qua giai đoạn bồng bột đam mê và ham muốn, cũng đã nếm đủ mùi hạnh phúc ngọt ngào lẫn bất hạnh đắng cay, và quan trọng nhất là tôi đã biết chấp nhận số phận.

Sự tỉnh ngộ của con người là một cái gì đấy rất lạ. Nó có thể không đến sau bao nhiêu năm, bất chấp những lời khuyên nhủ, tư vấn, thậm chí năn nỉ, của bao nhiêu người. Nhưng nó lại thình lình đến vào một thời điểm nào đó trong đời ta mà chẳng hiểu là do tác động từ đâu. Giống như là một sự tự ngộ ra vậy.

Tôi nhớ khi tôi yêu Hưng bảy màu, bạn bè tôi ai cũng ghét Hưng, ghét lây cả tôi vì sự mê muội. Ai cũng can, và tôi biết rằng họ nói đúng, nhưng không hiểu sao tôi không sao dứt ra khỏi mối tình với kẻ bạc bẽo đó được.

Đến khi tôi yêu Nhân, sự điên rồ lại lặp lại. Ngay đến Quang cũng phải thở dài: “Anh Dũng ơi, sao anh khổ thế? Em chứng kiến suốt đời anh, anh chỉ chạy theo người khác, khổ vì người khác. Anh sống cho anh đi, anh lo cho bản thân anh đi chứ. Em thấy anh khổ cực đến mức độ này rồi mà vẫn chịu được, không hiểu anh nghĩ gì nữa”. Chị Kim, hàng xóm nhà tôi, thì bảo: “Dũng ơi, em xem thế nào chứ. Em với thằng Nhân chửi bố chửi mẹ nhau, mày tao chi tớ với nhau không ra làm sao cả. Em mất hết cả thể diện, danh dự. Bạn bè hàng xóm trông vào người ta coi thường cho đấy”. Tôi chỉ vâng vâng dạ dạ.

Đến cái lần tôi bịa chuyện Nhân bị tai nạn giao thông, làm cả nhà hắn kinh hoảng, chị Kim lại lật đật sang tận nhà tôi khuyên nhủ:
- Dũng ạ, thôi bây giờ cũng phải tỉnh ra dần đi chứ, chẳng lẽ cứ u mê mãi thế này? Từ trước đến nay em yêu bao nhiêu thằng con trai rồi, lịch sử cứ lặp đi lặp lại. Em định trượt theo vết xe đổ đấy à?

Tôi hiểu chị nói đúng, nhưng tôi nào có “định” đâu. Lúc đó tôi đã thấy cay đắng lắm rồi: Gần bốn chục tuổi đầu, chẳng làm được cái gì, cả đời chạy theo đàn ông, mà cứ mỗi người bỏ đi thì lại để lại trong lòng tôi một vết sẹo sâu. Dù vô tình hay cố ý, họ đều gây tổn thương cho tôi, hút hết trí não sinh lực của tôi. Biết vậy, biết là phải chấm dứt cơn u mê kéo dài, phải xác định cho mình một tương lai rõ ràng, nhưng tôi vẫn không sao làm được.

Có lẽ phải đến một lúc nào đấy, con người ta mới đột nhiên bừng tỉnh, tự ngộ ra được đường đi đúng đắn cho cuộc đời mình; còn trước đó mọi lời khuyên nhủ của người xung quanh và những tiếng ừ hữ, hô quyết tâm của mình đều trôi tuột đi như nước đổ lá khoai cả.

Với tôi, cái thời điểm tôi thức tỉnh đã đến quá muộn, khi tôi đã trải qua bao nhiêu năm tuổi trẻ lặn ngụp trong những mối tình không lối thoát. Dù sao, muộn vẫn còn hơn không, tôi ngộ ra mọi chuyện sau khi tôi đã gặp Dương, và nhờ thế cuộc chung sống của tôi và Dương diễn ra yên lành, không còn những cơn ghen tuông bệnh hoạn, những trận đánh đấm loạn đường loạn phố.

Bây giờ, lòng tôi nguội hẳn. Tôi không còn những ngộ nhận, mơ ước như ngày xưa rằng sẽ có một ngày tôi gặp được hoàng tử đích thực của cuộc đời, hay là cứ sống với một ai đó thật tình cảm, lâu dài thì rồi họ sẽ gắn bó với mình. Than ôi, mộng tưởng hão huyền. Thực tế làm gì có chuyện ấy, không bao giờ!

Người đồng tính sinh ra là để cô đơn. Có những người bạn tôi, kể cả khi nhắm mắt nhắm mũi lấy vợ, sinh con đẻ cái, gia đình đông đúc, họ cũng vẫn cô đơn, cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Người vợ thì bất hạnh – dĩ nhiên, ai có thể bù đắp được cho trái tim của người phụ nữ sống bên chồng mà không được chồng yêu thương. Bạn tôi có người bảo: “Năm nay tôi lên chức ông ngoại rồi đấy Dũng ạ, mà tôi vẫn chẳng bỏ được tình yêu với giai. Tủi nhục quá. Cứ phải giấu giếm, kìm hãm thế này suốt đời”.

Như một sợi dây đàn càng căng thì lúc bật càng mạnh, những người bạn tôi khi đã không thể chặn được nỗi khao khát và sự cô đơn thì sẽ bùng nổ. Điều đó giải thích cho hiện tượng nhiều người đàn ông đứng tuổi, có gia đình đàng hoàng tử tế, bỗng dưng đùng một cái bỏ tất cả để chạy theo một mối tình trai của mình. Vì trách nhiệm với gia đình dòng tộc, họ đã hoàn thành rồi, nên lúc đó sẽ là lúc giải tỏa, hay nói đúng hơn: không thể kìm nén nổi nữa.

Tôi đã xác định rõ ràng rằng mình sẽ cô đơn, số kiếp của một người đồng tính là thế. Tôi sẽ vui vẻ chứng kiến việc Dương chia tay tôi để đến với gia đình riêng của Dương, có vợ có con như mọi người đàn ông bình thường khác. Tôi sẽ vẫn giữ mối liên hệ tình cảm, tình nghĩa với Nhân, với Dương. Sẽ can đảm sống những ngày tháng tuổi già trong ngôi nhà cổ hai tầng ở ngõ Hàng Bè này. Sẽ chấp nhận “lấy cháu làm con”, lấy công việc xã hội làm nguồn vui. Chẳng thể nào khác được.

Người đồng tính chúng tôi không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, đừng kỳ thị chúng tôi vì một hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh. Chúng tôi sinh ra là kẻ lạc loài, phải chịu sống cái phận của kẻ lạc loài. Tôi đã xác định được như vậy, kể như là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng khi mới tập làm quen với ý nghĩ “chấp nhận sự cô đơn”, tôi vẫn khóc thầm, rồi gục đầu trước bàn thờ mẹ mà nức nở. Nhưng mẹ tôi đã đi vào cõi xa rồi. Chỉ có tấm ảnh trên bàn thờ nhìn tôi rưng rưng.

Bây giờ tôi sống với Dương. Dẫu biết rằng sẽ không có ngày mai, nhưng tôi không nặng nề nhiều về chuyện đó. Dẫu sao tôi cũng cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp Dương. Dương không thuộc về tôi mãi mãi, nhưng trong đời chỉ cần gặp được một người như thế đã là may mắn lắm.

“Tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm”

Đời tôi có niềm đam mê lớn là cải lương và nhạc trữ tình. Tôi mê giọng hát ngọt như mía lùi của những nghệ sĩ – ngôi sao Phùng Há, Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Kim Tử Long… và những vở kinh điển như Dạ cổ hoài lang, Thiếu phụ Nam Xương, Kiều Nguyệt Nga, Tiếng trống Mê Linh v.v… Nhạc trữ tình, tôi thích âm nhạc tiền chiến và cả nhạc Sài Gòn cũ. Tôi đặc biệt hay nghe và nhớ những bài hát với giai điệu và ca từ tuyệt đẹp của hai nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Ca từ nhạc Trịnh đặc biệt phản ánh đúng tâm trạng của con người trong tình yêu, đủ các cung bậc yêu thương, hạnh phúc khi yêu, đau buồn, tuyệt vọng khi bị phụ bạc…

“… Tình yêu như đốt sáng
con tim tật nguyền.
Tình lên êm đềm,
vội vàng nhưng chóng quên,
rộn ràng nhưng biến nhanh.
Tình cho nhau môi ấm,
một lần là trăm năm”.

Deyanov, Lâm, Hưng, Nhân, Dương, và tất cả những gương mặt người tình khác đã đi qua cuộc đời tôi… Tôi sẽ không bao giờ quên họ. Chắc chắn họ cũng không bao giờ quên tôi. Sống với nhau một ngày cũng nên nghĩa, huống chi tôi và họ đã gắn bó và có với nhau bao kỷ niệm. Đúng là “tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm”.

Sau khi chia tay, chúng tôi vẫn giữ quan hệ bạn bè. Chỉ trừ với Deyanov. Tôi không bao giờ còn gặp lại anh nữa. Từ hôm Deyanov đến nhà tôi báo tin lấy vợ, tôi tránh mặt anh. Những năm tám mươi ấy, cả nước còn nghèo, không điện thoại, không xe gắn máy, gặp gỡ rất khó khăn.

Tôi chỉ nghe nói về sau, vợ chồng Deyanov và mẹ anh chuyển từ khu ổ chuột Thanh Nhàn về một nơi ổ chuột khác đâu như ở Vĩnh Tuy. Nhà cũ của anh thì tôi chịu hẳn, không thể tìm ra được nữa. Khu vực Thanh Nhàn, Trần Khát Chân, Đông Kim Ngưu giờ đã thay đổi quá nhiều, chẳng còn lưu lại dấu vết gì của một thời. Đúng là vật đổi sao dời. Anh vẫn làm nhân viên Công ty Xe điện Hà Nội cho đến năm 1991 khi xe điện ngừng hoạt động. Không biết Deyanov đi đâu về đâu sau đó. Đến giờ thì tôi có cảm giác rằng anh đã chết, vì nếu còn sống thể nào anh chẳng tìm đến nhà tôi ít nhất một lần – hồi đó anh thương tôi lắm mà, chúng tôi từng vạ vật bên nhau cả ngày trời.

Hình ảnh Deyanov đọng lại trong ký ức tôi giờ cũng nhạt nhòa. Gần ba chục năm rồi còn gì. Nét duy nhất tôi nhớ trên gương mặt anh là đôi mắt to, hơi sâu, đượm buồn. Có lần vào mạng, tình cờ xem được vài bức ảnh của diễn viên từng đóng vai Deyanov trong phim Trên từng cây số, tôi nhắm mắt, cố hình dung lại gương mặt “Deyanov bán vé tàu điện” của tôi, nhưng không tài nào nhớ nổi. Bây giờ nếu trời thương cho tôi gặp lại anh và giả dụ tôi có nhận ra anh, chắc cũng chỉ bởi đôi mắt ấy.

Thủ trưởng của tôi thời quân ngũ, Ngọc, sắp về hưu. Anh và vợ con ở Vĩnh Yên, thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua đó tôi vẫn ghé nhà anh chơi (một lần đi cùng Dương trên đường từ nhà Dương về Hà Nội). Gặp nhau, bao giờ chúng tôi cũng rất vui vẻ, trò chuyện hàn huyên sôi nổi và nhất là đã nhìn thẳng được vào mắt nhau mà không bị cảm giác ngượng ngùng làm cho xa cách. Không ai nhắc lại chuyện ngày xưa tôi từng thích Ngọc, từng nằm ngủ cạnh anh, ôm ấp và vuốt ve thủ trưởng.

Con anh – thằng nhóc ngày nào còn bé tí, bướng như ranh, đi lẫm chẫm bị “dì Dũng” cầm roi vụt thẳng cánh vào chân – giờ lớn tướng, đang học đại học. Buồn cười thật, nhìn nó bây giờ, tôi cứ nghe văng vẳng bên tai những câu tôi tranh thủ quát nó ngày xưa lúc bố nó đi vắng. May quá, nó không nhận ra tôi, không nhớ tôi là cái anh lính mặt đen dữ tướng, một buổi trưa trên con dốc Tam Đảo đầy nắng, đã vừa quất nó, vừa quát: “Mày đi bộ đi. Tao ghét mày”.

Hồi tôi yêu Ngọc, anh đâu có biết. Còn giờ gặp lại, anh đã biết tình cảm tôi dành cho anh ngày đó, nhưng lại không biết một điều khác trong tâm lý tôi lúc này: Nhìn anh, tôi kinh hãi cảm thấy sức tàn phá của thời gian thật khủng khiếp. Năm xưa anh đẹp oai hùng bao nhiêu trong bộ quân phục màu lính, thì nay trông anh tàn tạ bấy nhiêu. Cũng phải thôi, khi ấy anh còn trẻ, ở trong quân ngũ, ăn uống điều độ, vận động nhiều. Còn giờ đây, Ngọc già xọm đi (ngoài năm mươi rồi còn gì), mặt mày nhăn nheo, tóc bạc, bụng phệ.

Tôi ngắm anh bây giờ, nhớ lại hình ảnh cân đối và cường tráng của thủ trưởng Ngọc ngày trước mà bùi ngùi, sợ thời gian và xót xa nghĩ tới bản thân. Tôi hình dung ra mình mười năm nữa, cũng xập xệ, “phai tàn nhan sắc” như thế, và còn đáng buồn hơn thế – cô đơn lủi thủi trong căn nhà hai tầng ở ngõ nhỏ trên phố Hàng Bè này. Không hiểu, tự hình dung ra trước tương lai, thì đến lúc mọi sự diễn ra đúng như thế, tôi có bớt buồn chán mà chịu đựng được mọi thay đổi nghiệt ngã hay không? Chắc là sẽ chịu được thôi, phải cố mà chịu, ai cưỡng lại được tự nhiên?

Tôi cũng vẫn duy trì quan hệ bạn bè với Hoàng Lâm. Lâm đã lấy vợ, có một con, hiện anh là giáo viên thể dục, dạy đại học. Lâm béo ra nhiều, không còn giữ được phom người của thời trai trẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau ra quán nước cà phê cà pháo. Có nhắc lại chuyện xưa thì cũng chỉ để cười cho vui. “Hồi ấy, ông tránh tôi như tránh hủi ấy Lâm ạ. Bây giờ thì thôi chứ hồi ấy, tôi tức lắm đấy”. “Không tránh, để anh lấn tới thì em lấy vợ làm sao được?”.

Mối tình đơn phương của tôi với Lâm có một số cái đầu tiên: Lần đầu tiên tôi hôn một người đàn ông. Lần đầu tiên tôi có quan hệ tình dục với đàn ông. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là điên vì tình, với sự cố uống rượu say, cởi hết quần áo nằm lăn ra đường gào khóc gọi tên người yêu, gọi mẹ. Rồi bị lảng tránh, bị hắt hủi… Sự yêu đương của tôi với Lâm đúng là theo tinh thần câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm. Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”.

Tôi cứ lao vào yêu Lâm điên dại như thiêu thân lao vào bóng đèn nóng sáng, mà chẳng hề ý thức được mình có cái gì để thu hút Lâm, hay nói cách khác, chẳng có một “chiêu”, một “bài vở”, “mánh khóe” nào cả. Sau Lâm, tôi mới bắt đầu biết cách tán tỉnh hơn. Gọi là tán tỉnh thì không hẳn đúng: Kể từ khi cuộc tình dại khờ với Lâm tan vỡ, tôi mới nhận ra vị thế thua thiệt của mình so với phụ nữ, và hiểu ra rằng để quyến rũ đàn ông, tôi không còn cách nào hơn là phải biết mình, biết người. Tôi phải tìm đến những người cần tôi, tôi phải mang lại cho họ cái mà họ cần. Nếu không thì chẳng có cách nào để một thằng gay như tôi chiếm được thể xác và may ra, trái tim, của một người đàn ông cả.

Từ sau khi mất Lâm, tôi đã yêu thêm nhiều đàn ông khác và quên hẳn bóng hình của chàng “Lý Tiểu Long” một thuở. Có thể chính điều đó khiến tâm lý của cả hai chúng tôi đều nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Tôi không còn muốn giành lấy Lâm, còn Lâm không còn muốn tránh mặt tôi. Lần đầu tiên gặp lại sau cả thời gian dài xa cách là khi tôi đang ngồi ở quán café quen thuộc với một cô bạn cũng biết Lâm. Cô ta gọi điện thoại cho Lâm, rủ ra uống nước cho vui. Không hiểu linh tính thế nào mà ở đầu dây bên kia, Lâm đột ngột hỏi:

- Có… có Dũng ở đấy phải không?
- Có. Sao anh biết? Anh ngại à?
- Không. Ngại quái gì.

Thế là Lâm ra. Tôi nhìn thấy Lâm từ xa. Vóc người hơi đẫy ra. Vẫn gương mặt ấy, mũi dọc dừa và đôi mắt thăm thẳm, ánh nhìn của Lý Tiểu Long. Nhưng tôi lạ lùng nhận thấy mình không còn cảm giác gì hết. Tim tôi không đập rộn lên và mặt không bừng sáng lên vì một nụ cười vui sướng như ngày nào nhìn thấy Lâm từ xa đi tới nữa. Tôi bình thản. Lòng nhẹ nhàng như khi gặp lại một người bạn cũ, tuy quý mến nhưng không thân thiết lắm, sau bao nhiêu năm xa cách.

Giờ thì Lâm biết rõ tôi là người đồng tính rồi, nói theo ngôn ngữ của dân bóng, tôi “lõa” quá, “nặng nghiệp” quá rồi, thay đổi làm sao được. Nên chẳng bao giờ Lâm nhắc lại lời khuyên tôi năm xưa: “Anh Dũng, anh dừng lại đi, anh phải tìm con gái mà yêu đi” nữa. Cũng không ai nhắc lại chuyện đó, sợ làm người kia ngượng. Nếu vô tình nói ra điều gì có thể gợi lại vụ yêu đương năm xưa, thì phải ngay lập tức khỏa lấp bằng những câu đùa.

Tài nghiện – người tình một đêm của tôi – đã lấy vợ. Thật không hiểu sao hắn nghiện nặng thế mà vẫn có người phụ nữ muốn nương cuộc đời của mình vào hắn. Thật tâm hắn chẳng có ý định cai. Cũng chẳng biết Tài làm nghề gì, có đủ tiền nuôi vợ và chích hút hay không. Tôi và hắn thi thoảng lại gặp nhau tình cờ trong đám bạn, mỗi khi cả hội kéo nhau đi chơi đâu đó. Chẳng thằng nào hỏi thăm thằng kia lấy một lời. Chắc hắn ghét tôi “bỏ rơi” hắn, còn tôi thấy vừa xấu hổ vừa thương bản thân vì đã khát tình đến mức bập cả vào một thằng nghiện. Dù vậy, tôi chẳng trách mình. Làm sao cưỡng lại tình cảm được, một khi đã trót yêu? Huống chi Tài đẹp trai thế (bây giờ hắn vẫn đẹp), đẹp lãng tử, đúng cái gu của một kẻ mơ mộng như tôi.

Hưng bảy màu vẫn dật dờ kiếm sống ở Hà Nội. Một đôi lần tôi trông thấy hắn lang thang trên vỉa hè, mặt thờ thẫn, không biết đang đi đâu. Dân quán nước gần đó bảo Hưng chưa vợ con gì, nghiện ma túy đã hai năm nay. “Lại còn thế nữa” – tôi thầm nghĩ – “May quá hồi ở với mình, nó chưa nghiện, chứ không thì tiền mình vào tay nó như gió vào nhà trống”. Hắn tránh mặt tôi, nhác thấy bóng tôi từ xa xa là đã vội lảng. Tôi cũng chẳng cố tìm gặp Hưng làm gì, tiền cho hắn vay coi như là biếu không. Thâm tâm tôi thương Hưng: Hoàn cảnh như thế, chắc hắn khó mà ngóc đầu lên được. Âu cũng là cái giá phải trả cho một kiếp người. Thôi thì may mà hắn không (hay là chưa?) sa vào con đường tội lỗi.

Nhân trở về Nam Định, lấy vợ, sinh con. Hai vợ chồng sống đúng cuộc đời bình dị của một gia đình nông thôn điển hình ở một nơi đang đô thị hóa: có khoảnh ruộng nhỏ thuê người cấy cày, một cửa hiệu tạp hóa bán từ lọ dưa cà muối, bó hương muỗi đến cái kem đậu xanh tự làm bằng cách pha bột đậu xanh bỏ ngăn đá tủ lạnh… Nhà không giàu nứt đổ đổ vách nhưng cũng đủ tivi, cassette, xe máy cho hai vợ chồng chạy chợ; ở nông thôn như vậy là khá giả.

Tết nhất hoặc vào dịp nghỉ lễ, Nhân vẫn lên Hà Nội chơi thăm tôi, mang cho tôi khi cân gạo, lúc đòn bánh. Có năm nhà ăn Tết to, hắn còn đem biếu tôi một con ngan béo. Nhân là người duy nhất vẫn gọi tôi là “mình”, xưng “tôi” như thời hai đứa còn ở với nhau, và thỉnh thoảng (nghĩa là trước khi tôi có Dương), chúng tôi vẫn quan hệ với nhau… như hồi ấy. Cũng phải thừa nhận, cho đến giờ phút này, tôi vẫn yêu Nhân và sẽ rất hạnh phúc nếu được ở cùng Nhân. Tình yêu là thế, không thể giải thích được vì sao lại có một bóng hình cứ ám ảnh ta mãi mãi. Người ta bảo, sau khi đã lập gia đình, phần đông đàn ông và phụ nữ vẫn tiếp tục ôm giữ trong tim hình ảnh một người tình mà anh ta/ cô ta không với tới, không sở hữu được. Phải chăng tôi cũng thế? Nhân sẽ mãi mãi là người tình trong mộng của tôi.

Người đàn ông cuối cùng?

Nếu làm phép so sánh, tôi sẽ nói rằng tôi yêu Nhân nhất, thương Hưng nhất, và quý Dương nhất. Đó là ba cuộc tình để lại ấn tượng sâu nặng nhất trong đời tôi. Tôi yêu Nhân vì Nhân đàn ông, nồng nhiệt, tốt bụng, tình cảm với tôi. Tôi thương Hưng khổ cực từ nhỏ, bị đời xô đẩy nên nỗi sống bạc bẽo, đầy thù hận. Tôi quý Dương đứng đắn, đàng hoàng và giản dị.

Phải, tôi quý em lắm, Dương ạ. Từ ngày có Dương, tôi sống cân bằng lại, không còn sợ những ngày lễ, ngày Tết nữa. Trước kia thì Tết nào đối với tôi cũng là một khoảng thời gian khủng khiếp, nhất là từ năm mẹ tôi mất. Tôi ở nhà bật nhạc nghe một mình, lủi thủi dọn dẹp, cắm hoa, nấu nướng, chẳng biết để cho ai nữa. Tôi sợ phải bước chân ra ngoài đường phút giao thừa, thấy trai gái nắm tay nhau, thiên hạ đưa con cái đi chơi ríu ra ríu rít, còn tôi thì trơ khấc ra, không thể trốn đi đâu cho thoát nỗi cô đơn ám ảnh. Tóm lại, cái ngày mà mọi người mong đợi nhất trong năm thì với tôi đó là cái ngày đáng sợ nhất, buồn tủi nhất.

***

Tết, từ ngày có Dương, đỡ buồn hơn. Mặc dù tôi vẫn phải ở nhà một mình – Dương về quê với gia đình – nhưng ít ra tôi cũng có thể lau dọn, trang trí nhà cửa, nấu cỗ chờ ra Tết đón Dương. Ba năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ buổi sáng tất niên là hắn về Yên Bái. Hì hục bê đồ ra xe máy cho Dương mà nước mắt tôi cứ vòng quanh, hắn lại phải dỗ: “Thôi, đừng buồn. Tôi về mấy hôm rồi tôi lại lên với Dũng”. Hai mắt tôi cay xè, nhưng được nghe Dương nói một câu như thế là lòng tôi vui lắm.

Dương thông cảm với tôi. Tôi tin tưởng Dương. Chúng tôi tôn trọng nhau và chưa bao giờ phải đau đầu nhức óc về nhau. Vẫn tự xác định rằng sẽ đến một ngày chúng tôi chia tay để Dương lập gia đình, nhưng tôi sẽ không khủng hoảng, không điên loạn lên nữa. Chúng tôi đã trọn nghĩa với nhau rồi.

Cuộc sống của chúng tôi bây giờ như thế này: Hàng ngày, Dương đi làm ở cửa hàng trên phố Huế. Tôi tham gia hoạt động xã hội với các thành viên ở nhóm Thông Xanh, tìm niềm vui trong công việc, trong sự đấu tranh cho quyền bình đẳng của người đồng tính. Tối tối, tôi ở nhà chăm sóc, trò chuyện với Dương, tranh thủ làm thêm những việc nho nhỏ cho Thông Xanh, như thiết kế chương trình, tờ rơi, chuẩn bị trang phục biểu diễn v.v… Thời gian rảnh rỗi, tôi đọc sách, nghe cải lương, xem phim đĩa ở nhà, hoặc đi cà phê với bạn. Tôi có nhiều bạn bè, nhất là từ khi xây dựng Câu lạc bộ H.Đ. và chấp nhận công khai trước dư luận. Riêng công việc tiếp khách, tiếp các phóng viên báo chí đã ngốn một phần quỹ thời gian của tôi. Nói chung cũng khá bận rộn và đủ vui vẻ. Về kinh tế, tôi, cô em gái và mấy đứa cháu có mở một cửa hiệu cầm đồ nên không phải lo lắng nhiều chuyện tiền bạc nữa. Còn tương lai, khi Dương lấy vợ? Chắc tôi vẫn sẽ vui vẻ, lấy cháu làm con, lấy công việc xã hội làm nguồn vui.

Tôi cũng bắt đầu hướng về thế giới tâm linh. Hồi trẻ, mải mê yêu đương, tôi không nghĩ nhiều đến chuyện tín ngưỡng, lên chùa chủ yếu là để vãn cảnh, đi chơi với bạn bè, đi hầu đồng hầu bóng thì toàn kiếm trò trêu chọc các “thầy” các “cậu” (thường là một đồng cô nào đó). Bây giờ, tôi lại nghĩ rằng con người ai cũng cần có niềm tin để sống, mà với người đồng tính như tôi thì cõi tâm linh có khi còn là một sự giải thoát. Tôi năng lên chùa hơn, thắp hương cầu nguyện cho lòng mình được thanh thản.

Bạn hỏi tôi có hối tiếc điều gì trong đời không? Cuộc đời tôi gặp nhiều thua thiệt: Sinh ra là người đồng tính, không được học hành nhiều, yêu đương khổ sở cay đắng, làm ra bao nhiêu tiền nuôi trai hết bấy nhiêu… Đó là những nỗi bất hạnh, kém may mắn mà mỗi khi nghĩ đến, tôi đều thấy buồn và thương mình lắm. Nhưng tôi không hối tiếc. Vì tôi không có lỗi gì khi sinh ra với nhân cách một nửa đàn ông một nửa đàn bà, không lỗi gì khi không có điều kiện học hành cho bằng người, không lỗi gì khi chỉ yêu nam giới mà không yêu phụ nữ. Có chăng, tôi chỉ tự trách mình đã yêu đương mê muội, mù quáng, điên dại trong bao nhiêu năm.

Bạn hỏi bây giờ tôi mong muốn gì không? Hay là một kế hoạch nào đó cho tương lai?

Tôi mong muốn đơn giản lắm. Trước hết là sức khỏe. Thứ đến công việc kinh doanh ổn định, may mắn để về già tôi có một số vốn đảm bảo cho đời sống khỏi chật vật vất vả. Tôi xác định rằng tuổi già của tôi sẽ rất cô đơn, nên phải có đồng ra đồng vào để thuê mướn người làm hay thuốc thang khi đau ốm, bệnh tật. Nước mắt chảy xuôi, người già ai chẳng cảm thấy lẻ loi ngay cả khi con cái đề huề. Người đồng tính còn cô độc hơn thế, vì họ không có nổi một gia đình.

Đến đây, bạn đọc có thể sẽ thấy dường như cả cuốn tự truyện này của tôi đều toát lên ý người đồng tính sinh ra là để “trọn kiếp cô đơn”. Có thể bạn sẽ hỏi tôi câu cuối cùng rằng vậy bây giờ, tôi có hạnh phúc không?

Không. Tôi không hạnh phúc. Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống của tôi và chấp nhận chính tôi. Sướng khổ tại tâm, khi ta biết chấp nhận, lòng ta sẽ thanh thản hơn và, theo một nghĩa nào đó, sướng hơn.

Nếu như tôi là người bình thường… Giá như tôi được là một người đàn ông bình thường… Thì tôi sẽ có nhiều cơ hội để hạnh phúc. Nhưng tôi và cộng đồng giới tính thứ ba đã không được lựa chọn. Hạnh phúc trọn vẹn với chúng tôi bây giờ là có một ai đó để yêu thương và được yêu thương, là sống trong một xã hội có cái nhìn rộng mở hơn với người đồng tính luyến ái.

Mà biết đâu chừng sẽ đến một ngày xã hội hoàn toàn chấp nhận những con người như chúng tôi, để rồi có một người đàn ông yêu và gắn bó với tôi mãi mãi?

Phần cuối

Cầu mong…

Những lần đến nhà Dũng, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp người bạn trai hiện đang chung sống với anh. Trong cuốn sách, chúng tôi gọi cậu là Dương. Dương nhỏ người, mắt sáng và ít nói. Thỉnh thoảng, Dương vẫn dắt xe giúp chúng tôi qua ngõ nhỏ vào nhà. Khu phố cổ, lối vào không đèn sâu hun hút. Dương thường im lặng. Còn chúng tôi cũng ngần ngại bắt chuyện, bởi Dương biết rõ mục đích của những cuộc gặp này.

Cũng có một lần, chúng tôi đứng lại trò chuyện trước cửa nhà. Tôi hỏi Dương về dự định cho tương lai. Dương trả lời: “Em đang định đi học lái xe, đăng ký mấy lần rồi mà chưa được. Nhà em cũng có xe tải. Em định lái xe vài năm, kiếm chút vốn rồi mở cửa hàng kinh doanh cái gì đấy, chứ ai ở thế này mãi được”. Im lặng một lát, như bắt được ý nghĩ của tôi, Dương khẽ nói: “Không, em không nói với Dũng thế, nhưng anh ấy hiểu. Chính Dũng cũng nói với em mấy lần rồi, bảo em không ở với anh ấy mãi được. Nhưng thú thật, cũng chưa biết là bao giờ. Em ít nghĩ chuyện tương lai lắm”.

Dũng đã dành thật nhiều lời đẹp đẽ để nói về Dương. Dù anh biết rằng Dương sẽ chẳng thể ở với anh mãi mãi. Cũng như những người đàn ông trước đây của anh, Dương chỉ là một “dòng sông nhỏ” rồi sẽ chảy đi. Biết vậy, và anh chờ đợi ngày đó, bình thản. Về phần tôi, đến nhà Dũng, chứng kiến những buổi tối thanh bình của anh và Dương, tôi luôn cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ về ngày Dương chia tay Dũng. Thâm tâm tôi mong muốn ngày ấy sẽ không bao giờ đến. Còn Dũng thì mong nó đến càng muộn càng tốt, để kéo dài thời gian anh có Dương.

Mọi chuyện sẽ ra sao? Mong cho cuộc đời Dũng, cũng như cuộc đời của hàng nghìn người đồng tính khác ở Việt Nam, sẽ sớm thanh bình yên ổn.

Tôi mong muốn lắm, rằng cuốn sách này có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về một thế giới ở ngay trong thế giới của chúng ta, thuộc về chúng ta, để chúng ta bớt đi cảm giác ghê sợ hay kỳ thị đồng loại.

Tiếp xúc với Dũng, tôi hiểu nhiều hơn về những người thuộc giới tính thứ ba. Điều quan trọng nhất mà tôi thu lượm được và muốn chia sẻ với bạn đọc, đó là: Họ là con người, với tất cả những suy nghĩ và cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người: yêu thương, ghen tuông, thù hận, hy vọng, tuyệt vọng, đau khổ, hạnh phúc v.v… Họ có cái tốt và cả cái xấu, hệt như những người dị tính – không ai hoàn thiện cả. Có điều, do hoàn cảnh khách quan, ở họ, cái tốt cũng như cái xấu đều bị đẩy lên đến cực điểm.

Qua câu chuyện của Dũng, tôi thấy những cuộc tình của người đồng tính hiện lên sao mà khốc liệt, dữ dội, ám ảnh. Họ có thể là những người yêu say đắm, những người tình bội bạc hoặc thủy chung, những kẻ ghen tuông đến mức bệnh hoạn, những người hết lòng hết dạ vì bạn bè hoặc bạc bẽo tàn ác vô tận. Vì tất cả đều bị đẩy lên tột cùng của cảm xúc, nên những gì họ cảm thấy đều có thể đã từng diễn ra trong tim chúng ta ít nhất một lần trong đời. Chúng ta nhìn thấy mình trong họ: Chúng ta đã và đang yêu như họ, ghen như họ, thất vọng đau đớn như họ, hay hạnh phúc mộng mơ như họ.

Cuộc đời Dũng hiện lên trong trang sách chứa đầy đủ các cung bậc cảm xúc của một người đồng tính tiêu biểu. Dũng nói bản thân anh cũng không đủ sức nhìn lại cuộc đời mình một lần, nếu không có cuốn sách này. Và anh cũng muốn đó là một món quà cho cuộc đời của mình.

Vâng, ở tuổi 40, Dũng vẫn thích quà. Anh thích sưu tập búp bê, đồ chơi, và đã từng trầm trồ khi chúng tôi tặng anh một con búp bê nho nhỏ. Nhưng tôi tin, với Dũng, không gì có thể sánh bằng một món quà rất lớn: sự thông cảm và lắng nghe của bạn đọc. Ít ra, bạn đọc cũng đã làm điều đó cho anh rồi, khi đọc hết hơn 300 trang của cuốn sách này.

Về phần tôi, người chấp bút, tôi rất mong rằng mỗi người “bình thường” chúng ta đều có thể soi thấy chính mình khi đọc cuốn sách. Tôi mong thế và tin như thế. Để khi sách khép lại, chúng ta có thể hiểu hơn giá trị của cuộc sống, của hạnh phúc, của tình cảm giữa con người với con người… mà trân trọng mãi mãi những giá trị đó.

Hà Nội, tháng 6 năm 2008

DOMINO




Đôi lời từ người viết

Tôi gặp Dũng lần đầu tiên vào một ngày đầu xuân năm 2007. Mưa lất phất.

Chúng tôi ngồi ở hai bàn kề nhau trong một quán café nhỏ nơi phố cổ Hà Nội. Bạn tôi khều: “Thấy nhân vật kia không? Pêđê đấy”. Tôi nhìn theo hướng tay bạn để thấy một người đàn ông cao to, da ngăm ngăm, lưỡng quyền nhô cao trên khuôn mặt góc cạnh. Anh ta mặc áo khoác đen, đi giày thể thao, dáng rất khỏe. Không, không có biểu hiện nào của một người mà chúng ta vẫn gọi là “gay” hay “pêđê”. “Sao ông biết người ta pêđê?” – tôi hỏi. “Thì ở chợ Hàng Bè ai chẳng biết dì Dũng. Gay chính hiệu. Người cực kỳ nổi tiếng trong giới đấy”.

Đó cũng là lúc Dũng nhận ra bạn tôi, hai người vẫy tay cười chào nhau. Vài câu thăm hỏi, chúng tôi kéo ghế sang bàn anh nhập hội. Tôi cố tránh để không nhìn trộm Dũng khi anh nói chuyện. Dù sao, trong tôi vẫn đầy ắp sự tò mò muốn biết gay là như thế nào – cái tâm lý rất đỗi bình thường ở những người chưa một lần tiếp xúc với thế giới thứ ba.

Tóc rễ tre, da đen, giọng nói trầm đục, Dũng hoàn toàn không giống với hình dung của tôi về gay. Về ngoại hình, điểm duy nhất khiến anh khác những người đàn ông khác là chiếc nhẫn vàng cực to gắn vào ngón áp út. Đàn ông chắc ít ai đeo nhẫn lớn như vậy. Về điệu bộ, Dũng có kiểu ngồi thẳng lưng, ngực ưỡn ra sau làn áo sơmi bó sát, hai bàn tay thỉnh thoảng lại đan vào nhau một cách điệu đà. Cũng ít khi đàn ông có những cử chỉ như thế.

Dũng là người hay chuyện. Dù hiếm gặp bạn tôi, còn tiếp xúc với tôi thì mới lần đầu, anh vẫn nói đủ thứ trên trời dưới bể với một vẻ nồng nhiệt và cởi mở chỉ có ở những người khá quảng giao và hiểu biết. Đặc biệt, Dũng có khiếu sử dụng từ ngữ để thu hút sự chú ý và tạo cảm xúc ở người đối diện. Nổi lên trên tất cả là óc hài hước, trào lộng đến mức độ ngoa ngoắt. Anh làm chúng tôi cười đứt hơi cả buổi:

- Hôm trước vừa gặp mấy chú tiểu. Khiếp quá khiếp quá, các chú mê tốc độ, bốc quá cơ, phi xe máy trên đường 5 bay cả mũ!

- Hừ, biết “quả” Vân ấy rồi. Cũng dạng yêu tinh thần nữ cả. Ngồi một chút là nghi lễ chia tay cử hành ngay.

- Bóng đá à? Không, không xem đâu, ghét lắm, hiểu gì mà xem. Con gái ai xem bóng đá, nhỉ? – Vừa nói anh vừa đặt tay lên ngực, lắc lắc đầu cười ngượng nghịu. (Dũng không bao giờ xem bóng đá thật).

Bạn tôi có vẻ đọc được sự tò mò của tôi. Trong câu chuyện với Dũng, bạn tìm cách hướng anh nói về chủ đề mà tôi e rằng nhạy cảm: đồng tính luyến ái và thế giới của người đồng tính.

Dũng không tỏ ra ngại ngần hoặc khó chịu như tôi tưởng. Anh rung đùi nói chuyện cả buổi, ngôn từ cực kỳ phong phú: “Anh hả? Anh mới lộ diện được mấy năm nay chứ mấy. Đại đa số dân đồng tính là phải giấu giếm, trừ 10% bóng lộ. Bóng lộ thì tức là ván bài lật ngửa rồi còn gì nữa”. “Bóng lộ nghĩa là sao á? Em có để ý mấy người đàn ông vai rộng thân cao mà lại hay phấn son trang điểm, với độn ngực để có đồi thông hai mộ không? Đấy, bóng lộ đấy. Còn như anh là bóng kín”… Chúng tôi cười rũ rượi.

Thỉnh thoảng bạn tôi lại nháy mắt, gọi anh là dì Dũng. Anh cười khanh khách, chẳng hề phật ý. Tôi không còn thấy anh như thuộc về một nhóm người xa lạ, khác biệt với cộng đồng, dễ bị tổn thương và khó gần nữa. Anh là người bình thường ở một tầng lớp xã hội bình thường. Anh không tự ti về bản thân, nhưng cũng chẳng gồng mình lên tự tin, tự hào, hay mè nheo đòi quyền lợi cho dân đồng tính. Có lẽ đúng nhất, phải nói rằng anh sống thoải mái với bản chất của mình.

Dũng cuốn hút người đối diện như vậy đấy. Hay có thể gọi đó là một quá trình “thu phục nhân tâm” cũng được. Anh đưa tôi từ tâm lý ban đầu là sờ sợ, ghê ghê, đến sự tò mò, rồi thấy thú vị. Rồi quên cả cái khoảng cách mà ban đầu tôi đặt ra khi tiếp xúc với một người đồng tính như anh.

Bạn tôi kể: Dũng rất nổi tiếng trong giới đồng tính luyến ái. Anh là một trong những sáng lập viên của H.Đ. – câu lạc bộ đầu tiên dành cho cộng đồng giới tính thứ ba ở Hà Nội. Hiện Dũng là trưởng nhóm Thông Xanh. Theo lời bạn, gay vốn đa tình. Dũng yêu đàn ông vô cùng, yêu cháy bỏng, si mê, theo đuổi và chiều chuộng họ hết lòng. Bốn mươi tuổi, Dũng đã hai mươi năm lặn lội tình trường, cặp với hết người này đến người kia, và gần như tất cả các cuộc tình đều kết thúc trong nước mắt.

Người đồng tính, trong mắt tôi từ trước đến nay, có cái gì khó hiểu và đáng sợ. Thật khó mà không có một cảm giác tiêu cực nào đó với họ, dù tôi hiểu rằng thái độ kỳ thị với bất cứ thành viên nào trong xã hội đều là điều không hay. Nhưng, làm sao đàn ông lại có thể yêu đàn ông? Làm sao một người đàn ông lại có thể thích được sống như phụ nữ, thích đến mức bất kể miệng thiên hạ để khăng khăng bắt chước phái yếu? Họ thật dị hợm trong cách hình dung của tôi (và chắc chắn là không chỉ mình tôi).

Họ có thể là ai?

Là những gã đàn ông lòe loẹt son phấn, đeo hoa tai, mi giả nặng trĩu, ngực độn, đi đứng ưỡn ẹo, cố làm ra vẻ nhu mì yếu đuối bất chấp khổ người to ngang lừng lững, chân tay thô kệch, giọng khàn khàn vịt đực.

Là những gã đàn ông tính khí thất thường, sáng nắng chiều mưa, ăn nói ngoa ngoắt thượng hạng, tính tình thì chắc là “như đàn bà”.

Là những phụ nữ bó ngực, đầu húi cua hoặc cạo trọc lốc, ăn mặc đóng hộp cứng như đàn ông, hút thuốc lá phì phèo, đi lại huỳnh huỵch và hành xử bặm trợn chẳng có chút nữ tính nào.

Trước khi gặp Dũng, tôi đã nghe nhiều chuyện về đồng tính luyến ái. Chuyện một số nghệ sĩ nổi tiếng là người đồng tính. Chuyện ăn ở sinh hoạt của những người đàn ông thích làm phụ nữ, đủ thứ bi hài kịch. Chuyện họ thản nhiên dẫn bạn tình về nhà ăn nằm ngay trước mặt vợ con. Và cả chuyện gay, lesbian quấy rối người bình thường, theo đuổi, tán tỉnh đến sát sàn sạt: nhắn tin gọi điện rủ đi chơi, rủ đến nhà ngủ cùng, tắm chung, rồi ôm ấp, nắm tay sờ đùi, mà sờ thì cứ lên dần lên dần…

Những câu chuyện ấy thường được kể nếu không nhằm mục đích gây sự hiếu kỳ hoặc tìm kiếm sự phản đối, ghê tởm người đồng tính, thì cũng là để “cho vui”. Có thể người kể chưa tới mức kỳ thị hay khinh rẻ giới đồng tính. Nhưng chắc chắn, họ cũng coi gay và lesbian như một típ người kỳ dị và khó hiểu. Tóm lại, người đồng tính không giống “người bình thường” chúng ta. Không thể giống được. Định kiến của xã hội là như thế.

Nhưng với Dũng, tôi thấy mọi chuyện dường như khác hẳn. Ít ra, tôi cũng kịp thấy rằng thế giới thứ ba còn có nhiều điều vượt ra ngoài cách hình dung của mình.

Hành trình vào thế giới thứ ba

Hai ngày sau, tôi tìm tới nhà Dũng.

Xuất phát điểm ban đầu chỉ thuần túy là ý thích, sự quan tâm của tôi đối với đề tài này, như những bạn đọc khác. Cuộc sống của người đồng tính là điều khá bí ẩn và rất đông người tò mò muốn biết. Bạn tôi khuyên: Nếu muốn tìm hiểu về tâm lý, tình cảm, cuộc sống của những người đồng tính thì gặp Dũng là quá thích hợp, vì anh là một điển hình. Cuộc đời của một người như thế có rất nhiều điều để nói, để chúng ta tìm hiểu và tự nhìn lại chính bản thân chúng ta. Thêm nữa, Dũng đã “lộ diện”, tức là công khai với mọi người về việc mình là gay, nên không ngại chuyện phải xuất hiện trên sách, báo đài.

Dũng gặp tôi và tiếp tục những câu chuyện về thế giới của anh, cũng như của những người cùng cảnh ngộ. Và rồi tôi nảy sinh ý định viết về Dũng. Có thể là một bài báo, nhiều bài báo, hay đơn giản chỉ là những kiến thức được ghi lại để hiểu thêm về góc khuất của cuộc sống trước khi viết cụ thể một cái gì…

Nhưng rồi, càng nghe Dũng, tôi càng hiểu rằng chuyện về thế giới của anh là vô tận. Chỉ riêng những gì Dũng trải qua đã là quá rộng so với dung lượng một bài báo hay một chùm bài. Tôi quyết định đề nghị Dũng giúp để viết một cuốn sách về đề tài đồng tính.

Tôi không ngờ việc thuyết phục Dũng đồng ý hợp tác để viết sách gặp nhiều khó khăn đến vậy.

Đầu tiên, anh từ chối. Thật dễ hiểu lý do: Không ai muốn lôi tuốt tuột chuyện đời mình lên trang sách để người đời đọc và bình luận, nhất là khi anh lại là người đồng tính. Nó giống như việc ta tự đem cuộc đời ra rao bán cho dư luận, dù rằng sự chia sẻ cũng là cái chúng ta khao khát lắm, cần lắm. Lời đề nghị của tôi với Dũng không chừng có phần khiếm nhã.

Sau đó, tôi thuyết phục rất lâu, nhờ cả bạn góp lời giúp. Dũng đã hơi xuôi xuôi. Thì đùng một cái, buổi tối, anh tìm đến nhà tôi nói chuyện và từ chối thẳng: “Anh xin lỗi, anh không thể. Thế giới gay rất phức tạp, nhiều chuyện người ngoài không thể biết được. Bạn bè trong giới sẽ chửi vào mặt anh nếu anh đưa tất cả lên sách”. Rồi Dũng kể rằng  bạn trai anh cũng không đồng ý. Bạn trai Dũng ở với anh mà vẫn phải giấu tất cả gia đình, người thân. Nếu chuyện lộ ra sẽ rất khổ cho cậu ta. “Em thông cảm cho anh, ở cái giới bọn anh, tìm bạn tình khó lắm, anh không muốn để bạn anh phật ý. Anh rất sợ mất nó”.

Tôi hiểu những lời Dũng nói. Cũng đến lúc ấy tôi mới thấu hiểu nỗi sợ ẩn sâu trong tâm lý một người đồng tính. Họ luôn cô đơn và sợ sự cô đơn. Bị xã hội xếp vào thành một giới riêng, chẳng đến mức chối bỏ nhưng cũng là xa lánh, ghê sợ, hoặc khó chịu, họ co cụm lại thành một cộng đồng riêng. Nhưng cộng đồng ấy cũng như một xã hội thu nhỏ, bản thân nó cũng đầy những vấn đề phức tạp. Nếu bị cô lập ngay cả trong cộng đồng này nữa thì sự đơn độc sẽ khủng khiếp đến mức độ nào.

Nói gì thì nói, cuốn sách sẽ không thể không đề cập tới những chuyện hết sức tế nhị, những góc khuất trong thế giới thứ ba, những mảng tối trong tâm hồn một người đồng tính… Vì sự thật là tiêu chí cao nhất của cuốn tự truyện.

Tôi không nhớ chúng tôi đã mất bao nhiêu thời gian và công sức để thuyết phục Dũng đồng ý trở lại.

Một ngày. Một tuần. Nhiều tuần. Rồi, Dũng cũng bằng lòng.

Anh chấp nhận kể về đời mình, về những mối “tình trai” rất điển hình của gay đã làm tim anh tan nát, cho chúng tôi chấp bút thành tự truyện. Dũng đã công khai từ lâu về tình trạng của anh, nhưng có lẽ đây mới thực sự là một lần công khai quyết liệt, khi anh can đảm lấy cuộc đời mình làm đại diện để cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi người đồng tính. Cuốn tự truyện không đơn thuần là chuyện tình của Dũng, nó là cuốn sách cung cấp thông tin cho mọi người hiểu về đồng tính luyến ái hơn. Câu nói cuối cùng của Dũng khi nhận lời: “Thôi được, anh chấp nhận viết. Vì cộng đồng, anh sẽ hy sinh sự riêng tư cá nhân”.

Câu nói ấy của Dũng khiến tôi thấy rất thương anh và cảm thấy gánh nặng trách nhiệm đè lên ngòi bút của mình hơn.

***

Sau khi cân nhắc, tôi lựa chọn thể loại tự truyện văn học. Bởi, đây là thể loại không đòi hỏi nhiều hư cấu, có thể nói được nhiều thông tin và dữ kiện có thật trong một số lượng từ ngữ tiết kiệm. Có nghĩa rằng đây sẽ là một cuốn tự truyện của người đồng tính, điều chưa từng có ở Việt Nam.

Quá trình viết sách bắt đầu, trước hết là từ những buổi trò chuyện với Dũng để thu thập thông tin. Chúng tôi đã có hàng chục buổi gặp, khi ở quán café, khi thì ở nhà anh – một ngôi nhà rất tiêu biểu cho những nhà ở của tiểu thương khu phố cổ Hà Nội, nằm gần Bờ Hồ là nơi tập trung “mật độ” gay cao nhất cả nước.

Trong căn buồng nhỏ hẹp 14 mét vuông, mùa hè nóng hầm hập, mùa xuân thì ướt sũng hơi nồm, chúng tôi nghe Dũng kể chuyện. Đó là câu chuyện về một thế giới có vô vàn bi hài kịch, vô vàn điều hấp dẫn và phức tạp mà người ngoài không thể hình dung. Nhà quá chật, không đủ chỗ xếp bàn ghế, chúng tôi ngồi bằng tròn ngay trên sàn. Ảnh chân dung bố mẹ Dũng, bàn thờ hai cụ kê sát trên đầu. Trước mỗi lúc phải kể một điều gì khó nói, Dũng lại ngước mắt nhìn lên bàn thờ mà thề: “Có mẹ anh chứng giám, anh sẽ chỉ nói sự thật!”. Có lúc, Dũng vừa kể chuyện vừa rơm rớm nước mắt: “Cả cuộc đời anh chỉ chạy theo trai, trong khi mẹ mới là người thương mình nhất. Giá như mẹ anh còn sống, ốm đau bệnh tật cũng được, để anh chăm mẹ nhiều hơn”.

Tôi ngước nhìn ảnh bố mẹ Dũng. Bức ảnh đen trắng, chụp khi hai ông bà mới cưới nhau. Người phụ nữ trong hình có gương mặt tròn trịa của một thiếu nữ Hà Nội, còn người đàn ông mặt vuông chữ điền; Dũng giống bố nên mặt cũng góc cạnh và nam tính như thế. Nhìn anh, ai mà nghĩ anh lại có tới “50% tính nữ trong người” như anh thường bảo. Cũng như khi bố mẹ anh đến với nhau ngày ấy, làm sao họ biết rằng đứa con trai duy nhất của họ sẽ là như thế?

Dũng luôn chảy nước mắt, giọng khản đi khi nói về mẹ. Mẹ anh là con gái Hà Nội, nữ sinh trường Trưng Vương – Đồng Khánh, hồi nhỏ gia đình khá giả nên ăn sung mặc sướng như tiểu thư. Nhưng từ khi lấy chồng và nhất là từ khi sinh ra anh, cuộc đời mẹ dường như chỉ còn toàn nước mắt. Tôi nổi da gà khi nghe anh kể lại những giây phút lâm chung của mẹ, bà gọi con: “Dũng ơi, con đừng đi đâu cả. Con cứ ở đây, ở gần với mẹ. Mẹ đi lúc nào không biết đấy”, “Không kịp rồi, mẹ đi mà mày chưa có vợ”.

Tôi thầm hỏi có bao nhiêu bậc cha mẹ đã đau đớn đứt ruột khi đứa con thân yêu của họ là người đồng tính? Nếu như xã hội thoáng hơn, cởi mở hơn về vấn đề này, cuộc sống của những người cha, người mẹ ấy và đứa con không may mắn của họ sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu.

Trong các buổi  gặp, chúng tôi cũng dần phải vượt qua sự ngần ngại của mình khi câu chuyện để cập tới những điều tế nhị. Nói những chuyện ấy, chúng tôi không chỉ ngại ngần với Dũng mà còn lúng túng cả khi những người lạ bước vào nhà và vô tình lắng nghe. Nhưng, bạn bè và người thân Dũng đều coi đó là điều bình thường. Chúng tôi hiểu rằng, họ đã nghĩ về chuyện giới tính của anh như nó phải thế và vẫn thế.

***

Đọc những gì đã được viết ra, hẳn bạn đọc sẽ hỏi: Dũng đáng thương hay đáng giận trong quãng đời đầy bóng tối và không nhiều khoảng sáng của mình?

Tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về câu hỏi ấy. Và cuối cùng, tôi chỉ có thể trả lời: Dũng là người trung thực.

Vì trung thực, nên không phải tất cả những gì Dũng kể đều gây ấn tượng tốt với chúng tôi. Không ít lần, chúng tôi cảm thấy  sốc, thậm chí là không đồng tình với cách suy nghĩ và ứng xử của anh trong câu chuyện được kể. Hẳn một số trong các độc giả cũng sẽ cảm thấy như vậy. Nhưng, chúng tôi tin rằng sự trung thực từ Dũng sẽ cứu vãn ít nhiều thiện cảm của bạn đọc.

Cũng phải nói thêm răng sẽ là không đúng, nếu coi những gì diễn ra với Dũng, với một số ít bạn bè của anh, là thực tế chung cho cả thế giới thứ ba. Chúng tôi không thể và cũng không có ý định khái quát hóa cuộc đời Dũng thành đại diện tiêu biểu cho cả cộng đồng người đồng tính. Bản thân Dũng cũng không muốn thế. Nếu có thể, chúng tôi mong bạn đọc chấp nhận câu chuyện của anh chỉ như một góc nhỏ, rất nhỏ trong cộng đồng giới tính thứ ba.

Với quá trình tìm hiểu thông tin và viết sách, tôi dần dần nhận ra rằng đồng tính luyến ái đã tồn tại song song cùng dị tính từ khi xã hội loài người hình thành. Nó là chuyện rất tự nhiên, rất gần gũi với mọi người, thậm chí có thể nằm ngay trong chính mỗi chúng ta từ lúc chào đời. Tỷ lệ đồng tính cao, cho dù ở bất kỳ xã hội nào và vào bất kỳ lúc nào. Chúng ta luôn luôn sống bên những người đồng tính.

Thảng hoặc, giữa những buổi gặp, Dũng đưa tôi đến nhiều nơi người đồng tính tụ họp, như một số quán café và vũ trường ở Hà Nội. Nói như lời anh, ít ra điều đó khiến tôi hiểu hơn về thế giới thứ ba.

Tôi sửng sốt khi anh chỉ cho tôi những người đàn ông cao lớn, cơ bắp, râu quai nón đen nhánh, đầu cắt cua, quần áo bò và giày thể thao rất khỏe và đẹp: “Đồng tính đấy. Con bà nặng nghiệp đấy”. Tôi trố mắt khi biết ông chủ hàng phở quen biết, to béo phục phịch, suốt ngày quần đùi áo may ô, lại là “gay chính hiệu”. Tôi cũng đã chứng kiến những phiên “chợ tình” của gay, nơi dưới tán xà cừ, họ dặt dìu đi lại, hẹn hò. Tôi hiểu những nơi ấy tiềm ẩn đầy tệ nạn xã hội, hiểm họa HIV/AIDS luôn rình rập. Tôi cũng hiểu cả những giọt nước mắt hữu hình và vô hình của gay và lesbian kể từ khi họ chào đời, “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” – như câu hát mà Dũng thường nhắc.

Chúng tôi về quê Dũng chơi, theo anh đi bộ ra cánh đồng xanh bát ngát, nơi anh tỏ tình với người bạn gái đầu tiên một cách hết sức trẻ con, để rồi về sau hiểu rằng anh không hề yêu chị, anh chỉ yêu đàn ông. Những tường gạch, mái rạ, bụi chuối, đống rơm… hình ảnh quen thuộc của bất kỳ vùng nông thôn miền Bắc nào.

Điều làm tôi nhớ nhất là anh vừa dắt xe máy vào cổng làng, một đám trẻ con đã ào ra: “A, dì Dũng, dì Dũng về”. Dũng vẫy tay cười chào chúng, quay lại nói với tôi: “Đấy, bây giờ ở quê anh ai cũng biết anh là đồng tính rồi, gọi anh là cô, là dì đấy”. Bây giờ thì anh thấy điều đó là bình thường, thậm chí vui vẻ. Chẳng bù cho ngày xưa, Dũng đã thấy xấu hổ, nhục nhã, hận mình hận đời biết chừng nào mỗi khi có mấy đứa bé chạy đuổi theo, nhìn vào tận mặt anh mà réo: “Thằng đồng cô! ”.

Sức ép và định kiến của xã hội luôn đè nặng lên người đồng tính như thế, dưới những hình thức tưởng như nhẹ nhàng mà rất đau: trêu chọc, coi thường, xa lánh… Thế mà Dũng, ở một chừng mực nào đó, vẫn còn may mắn hơn chán vạn bạn bè của anh, vì anh đang sống khá tự do về mặt kinh tế: Anh biết làm ăn buôn bán, có cửa hàng riêng, kinh doanh cũng được, có thể sống không phụ thuộc ai. Nếu không thế, mà giả sử anh đang làm cho một cơ quan nào đó, chắc Dũng sẽ rất khó dũng cảm để công khai việc mình là người đồng tính, thậm chí là đưa chuyện bản thân lên sách.

Ở trong các văn phòng, cơ quan, công sở mà chúng ta thấy hàng ngày kia, có bao nhiêu người là gay hoặc lesbian? Họ đang phải gồng lên che giấu mình, thậm chí phải tỏ ra phẫn nộ, thô lỗ, hung hãn mỗi khi bị trêu là “đồng cô bóng cậu”, “tám vía”, “quỷ sứ”… Họ tự hỏi mình là ai, mình thuộc giới tính nào, mình phải sống thế nào, mình muốn làm gì trong đời? Khi không biết mình là ai, người ta hoảng loạn; khi phát hiện ra bản thân mình thì đau đớn, sợ hãi; sau đó hàng ngày đối mặt với cuộc sống không giống mọi người, người đồng tính lại rơi vào bi kịch hổ thẹn, bế tắc, cô đơn, họ ôm mãi “cục” stress mà không giải tỏa được.

Phải chăng, từ sự không hiểu biết vì thiếu thông tin, chúng ta đang vô tình đẩy hàng nghìn đồng loại vào cuộc sống đầy ức chế, căng thẳng, dồn nén và sợ hãi?

Có một điều mà Dũng đề nghị với tôi: Anh không muốn nhắc tới đề tài mại dâm nam trong cuốn sách. Tôi hỏi lý do, Dũng ngần ngừ rồi im lặng. Tôi hiểu rằng đó là đề tài mà những người thuộc giới thứ ba như anh đều nghĩ tới như một nỗi đau, một vết thương lớn nhất mà cuộc sống đẩy cho những người đàn ông. Và còn một điều nữa, qua những cuộc nói chuyện với Dũng, tôi lờ mờ nhận thấy thế giới đồng tính có nhiều mối ràng buộc. Dũng không muốn nhắc đến những câu chuyện ấy cũng vì sự an toàn của bản thân mình. Chúng tôi phải chấp nhận vì tôn trọng anh, dù biết rằng bạn đọc rất quan tâm tới vấn đề này, qua những gì mà báo chí từng đề cập. Có thể, đó sẽ là một chủ đề khác, trong một câu chuyện khác của chúng tôi.

Cũng vì lý do tế nhị và tôn trọng sự riêng tư, tất cả các tên nhân vật trong cuốn sách này đều đã được thay đổi, chỉ trừ tên nhân vật chính, tên mẹ và chị gái anh.

Bài cuối cùng về Bóng – Tớ nghĩ gì về cuốn Bóng?

Sau nhiều năm sống trong tin đồn, cuối cùng Richard Chamberlain diễn viên Mỹ nổi tiếng (Cha Ranph trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”) quyết định công khai: “Tôi đồng tính, thì sao?!”

Khi tớ đang chuẩn bị cho những ngày đầu tiên ra mắt cuốn “Chuyện tình New York” của mình. Duy, giám đốc nhà sách Domino (là nhà sách của CTNY) có nói nhỏ với tớ: “Bọn tớ đang lên kế hoạch xuất bản một cuốn tự truyện của một người đồng tính, chắc sẽ gây sốc lắm”. Tớ cũng không dám hỏi thẳng, nhưng tớ nghĩ, đó chỉ là một đề tài khai thác để ăn khách giật gân mà thôi. Nhưng tớ cũng tò mò, và tớ cũng bày tỏ muốn xem. Nhưng kể từ đó cho tới một năm sau, cuốn sách mới hoàn thành và khi tớ được cầm trên tay cuốn sách, cũng phải một thời gian tớ mới bắt đầu đọc nó! Chỉ khoảng thời gian đó cho thấy sự kỳ công góp nhặt để chuẩn bị cho sự ra đời của một cuốn sách.

Thời gian khi còn phân vân với cái tên gọi của cuốn sách. Duy gọi điện hỏi tớ: Lấy tên là gì bây giờ? Có 2 tên: “Bóng” và “Tình trai”. Tớ hỏi lại: “Thế không còn cái tên nào khác à?” “Bóng” à? Quá nhàm, không có điềm nhấn, không bắt lắm. “Tình trai” à, nghe rẻ tiền quá, giống hệt mấy cuốn sách lậu bán rong ngoài đường hoặc giống mấy bài phóng sự lá cải. Mặc dù nếu nói về độ kêu thì thấy có chữ “Tình” vào thì sẽ ăn khách hơn hẳn. Nhưng nếu chỉ có 2 lựa chọn thì thà chọn “Bóng” còn hơn.

Và có lẽ sau nhiều tham khảo, cái tên “Bóng” đã được đặt cho cuốn sách, kèm theo dòng chữ nhỏ ở bên dưới: “Tự truyện của một người đồng tính”. Để mọi người hiểu đây không phải là quả bóng đá, và cũng để chút gì đó kích thích tò mò hơn!

Và tớ vẫn nghĩ rằng đó là một cuốn sách chạy theo trào lưu đề tài đồng tính đang ăn khách, mục đích là bán được sách. Mặc dù tớ khá hiểu người đồng tính, trải qua rất nhiều kỉ niệm với họ, và tớ cũng đã từng có những suy nghĩ như kha khá một số nhà báo khi chẳng chịu đọc sách đã viết và nghĩ ra những bài phỏng vấn đầy tính áp đặt và rủa xả. Chỉ khi tớ đọc, tớ đã nghĩ khác, và tớ mới nhớ lại ngày đầu tiên khi tớ đi gặp Duy khi Duy muốn in cuốn sách của tớ, và cũng vì thế tớ đã chọn một nhà sách mà tên tuổi chưa biết tới và khả năng phát hành cực kỳ hạn chế: “Tớ làm sách là vì tớ yêu sách, và vì tớ muốn những điều thật khác về sách, vì tớ muốn đem vào đó những suy nghĩ, lẽ sống ưa thích của cuộc sống, chứ không vì kinh doanh, nếu vì kinh doanh tớ không thể nào sống nổi ở đất này!”. Và đó là vì sao tớ tìm đến với nhà sách của Duy.

Cũng như cuốn Bóng này, tớ đã nghĩ khác, đã nghĩ rất rất khác. Tớ đã nghĩ khác về khái niệm “làm khách ăn theo”, “làm sách kinh doanh” và hiểu thêm vô vàn, vô vàn điều mới về thế giới của người đồng tính, của những người mà trong đó có một vài người mà tớ vô cùng yêu quý!

Bóng được tặng cho tớ hơn nửa tháng tớ mới bắt đầu đọc. Và chỉ đọc nó trong 2 đêm thôi. Tớ đọc trong lúc một người tớ yêu thương đang ở rất xa, tự nhiên khi đọc về những mối tình cực kỳ dữ dội, những cảm giác yêu thương hờn giận, cho dù là của đôi đồng tính trong cuốn sách, tớ vẫn cảm nhận được như mình cũng đang nhớ một người yêu của mình, cảm nhận được nó như là một tình yêu đôi lứa giữa 2 người nam nữ thật bình thường.

Cuốn sách có “đại diện” cho cái gì không? Nhân vật chính ở đây có phải là nói hết những gì mà dân bóng muốn nói và anh ấy có đại diện cho họ không? Tớ xin khẳng định rằng, chẳng có ai đại diện cho ai hết, và chẳng có gì là tuyệt đối, thế giới này hàng tỉ con người, chẳng ai giống nhau, cho dù có là người bình thường hay đồng tính họ cũng không thể giống nhau, họ chỉ có những điểm tương đồng tương đối, và ta đủ hiểu rằng, chẳng có cái gì là đại diện, và tất cả những gì anh Dũng thể hiện, nó chưa phải là cả thế giới của dân “bóng”. Bởi chính bản thân tớ cũng quen khá nhiều người là bóng, thậm chí thân thiết, đủ để hiểu rằng đừng áp đặt một sự “đại diện” nào cả!

Có nhiều người phản hồi lại, như cả bạn Robbie, dành hẳn một entry nói về sự không hài lòng của bạn về cuốn Bóng, “không phải ai cũng như thế”.

Đúng thế! Bởi vì cuốn sách đang nói về một người, và từ đấy ta liên tưởng tới những người xung quanh, tới những người ta đã biết và đã gặp, chứ không phải người này thế này thì tất cả những người kia sẽ thế kia, và tất cả cũng chỉ ở mức tương đối!

Những câu nói trong truyện như “dân bóng là thế đấy”, “chúng tôi hay gọi nhau là thế đấy”…thực ra chỉ là những câu nói rất quen thuộc kiểu ví dụ các văn nghệ sĩ nói với nhau: “văn nghệ sĩ bọn tôi là thế mà”, không có nghĩa rằng ta hiểu rằng cả thế giới ấy họ như thế!

Điều đó để dẫn cho một sự diễn giải rằng, cuốn sách này phần nhiều như là sự thỏa mãn rất nhiều thắc mắc và hiểu nhầm về một thế giới mà chắc chắn rằng chưa được tất cả chúng ta đón nhận. Nếu tinh ý cũng nhận ra rằng, những gì được kể trong đó phần rất nhiều nhằm mục đích để giải thích cho những người “bình thường” như chúng ta hiểu và toàn bộ câu chuyện là để giải đáp thắc mắc của chúng ta về họ.

Ta vẫn thấy những người đồng tính yêu thật cuồng nhiệt, ghen tuông cũng thật khủng khiếp, ta vẫn thắc mắc tại sao họ lại đến thế? Và chính nhờ một người “trong cuộc” như anh Dũng ta sẽ hiểu ra được phần nào vì sao họ như thế, và hiển nhiên, khi hiểu ra thì suy  nghĩ cũng sẽ khác, đó là sự thông cảm!

Có những chi tiết đọc đến choáng váng, như nhân vật Dũng si tình tới mức, cả năm trời, cứ sáng sớm, đội nắng đội mưa, run rẩy đứng trên cầu để rình ngắm người mình si mê chỉ vụt qua trong thoáng chốc. Hay cảnh anh ấy yêu cuồng nhiệt, níu giữ, nhốt và truy đuổi những người đàn ông mình yêu, thật sự ta được nghe nhiều những người đồng tính họ “điên rồ” đến thế, nhưng khi ta lắng nghe chính một người kể cho chúng ta biết vì sao họ như thế, chắc chắn ta sẽ được thỏa mãn sự thắc mắc phần nào, và hiểu ra được thêm nhiều điều, sẽ thông cảm hơn thay vì chỉ ghê sợ!

Đúng vậy, đọc cuốn sách có rất nhiều sự giải thích, cần giải thích vì từ trước tới giờ, về cái thế giới thứ ba này, còn quá ít hiểu biết về họ, và chúng ta khó lòng có thể hiểu được họ, khi chúng ta chỉ là những người “bình thường”. Thậm chí, không phủ nhận, có không phải ít những người đồng tính không hiểu hết về bản thân mình.

Cuốn sách phần lớn là để thỏa mãn sự tò mò, không phủ nhận, về tâm sinh lý của thế giới thứ ba, về cách sống của họ, nhưng có là gì sai khi sự thỏa mãn này là nhằm để hiểu ra những điều hiểu lầm, và để mọi người cảm thông, nhìn bằng những con mắt tích cực hơn?

Cuốn sách được viết lại, là qua tay và con mắt của những người “bình thường”, ngay cả những gì đọc được, tinh ý sẽ nhận ra ngay rằng là những sự thắc mắc của người bình thường dành cho nhân vật chính và những gì được kể lại chính là những câu trả lời của anh Dũng. Và tất nhiên, cách sắp xếp ý tứ, câu cú, sự diễn giải, cũng là của người “bình thường”, để ta đọc cảm nhận nó theo hướng “bình thường” mà một người “bình thường” sẽ đón nhận, và cũng không thể khác được, vì người viết không phải là “bóng”. Có thể nói, cuốn sách là sự pha trộn quan điểm và suy nghĩ của người đống tính, và một người “bình thường”.

Vậy nên, hiển nhiên nó không tránh khỏi những lỗi này lỗi nọ, những cái nhìn “không phải của người đồng tính”….nó sẽ gặp phải sự phản đối ít nhiều của người đồng tính khác, và chẳng phải cái gì người đồng tính cũng muốn nói ra. Nhưng với tớ, những điều này không đem lại những hiểu lầm nào cả!

Còn lại, cái sự được, không được, hay, không hay, là ở cảm nhận của mỗi người!

Mục đích của cuốn sách, không phải là để “đại diện” cho gì hết, cũng không phải là viết ra là chỉ dành riêng cho một đối tượng nào cụ thể, có lẽ mục đích rõ hơn là một cuộc trao đổi với những người bình thường, những con người còn đang chưa hiểu gì về thế giới “khác lạ” này, bởi đã là “bóng”, thì họ cần gì lời giải thích nữa!

Tớ quen khá nhiều người đồng tính, trong đó có 2 người cực kỳ thân thiết, họ cũng không giống “y” như anh Dũng, họ rất yêu mến phụ nữ, rất tình cảm, suy nghĩ cũng từ tồn, điềm đạm, kể cả trong tình yêu, và cùng nhiều người khác, tớ nhận ra mỗi người một vẻ. Tất nhiên họ có những điểm chung tương đồng, đặc biệt là cái tính “đanh đá”, nhưng mà tớ đủ để hiểu rằng họ chẳng giống nhau tới mức có một mức số chung. Những gì anh Dũng đã kể, là một sự giãi bày nỗi lòng, là những lời giải thích về những điểm tương đồng của họ, để chúng ta hiểu hơn, và hiểu đúng hơn về thế giới của những người như anh ấy.

Há chăng đó không phải là một điều tốt? Thay vì mọi người chỉ nghĩ rằng đó là một cuốn sách giật gân câu khách rẻ tiền? Nếu bạn đọc xong mà bạn vẫn nghĩ vậy, có lẽ bạn là người không có sự suy nghĩ sâu sắc và không có lòng cảm thông!

Bởi nhờ những gì tớ đọc được, mà tớ, cho dù đã khá là hiểu, khá là bình thường, thậm chí là yêu quý những người đồng tính, còn hiểu hơn nữa, và ồ lên vì những điều mà mình vẫn nghĩ rằng mình biết. Đọc xong, những gì đọng lại là những sự tích cực, và tớ chẳng ngửi thấy cái mùi rẻ tiền câu khách nó nằm ở chỗ nào cả!

Tớ chỉ biết, một người bình thường như tớ, đọc xong, hiểu ra nhiều, thông cảm nhiều hơn!

Còn việc tớ nghĩ gì về người đồng tính, đã quá rõ ràng. Tớ đọc nhiều tài liệu, tiếp xúc nhiều đủ để hiểu rằng, đó chỉ là sự cố của tạo hóa, bạn không quyết định được, cũng không thể nào thay đổi được, và cũng không thể làm gì được, khi bạn sinh ra không giống ai, nó hiển nhiên như việc bạn không thể quyết được giới tính của mình. Bạn là con trai, nhưng bạn sẽ thấy vô lý khi cả thế giới kỳ thị bạn, chỉ vì họ muốn bạn làm con gái!

Một trong những phân đoạn gây ấn tượng nhất trong Bóng, đó là khi miêu tả lại những cảnh “giữ trai” của nhân vật chính, nó giải thích rất nhiều cho việc vì sao có lúc ta bắt gặp những người đồng tính cuồng nhiệt trong tình yêu tới mức đáng sợ như thế. Tớ có được chứng kiến rồi, lúc đó thật ghê sợ, nhưng giờ mọi việc đã khác!

Và câu nói ấn tượng nhất của cả cuốn, tự nhiên đọc tới đó thấy lòng mình trùng lại, đại loại là, nhân vật chính chạy theo, cung phụng hết đời giai này tới giai khác, bị lừa lọc, phản bội, đau khổ, nhưng cuối cùng chợt nhận ra, người đàn bà mình yêu thương và mắc nợ nhiều nhất, chính là mẹ mình! Tớ không nhớ được chính xác đoạn văn đó!

Người đồng tính dù thế nào sẽ vẫn bị kỳ thị, kỳ thị không phân biệt là một nhà lãnh đạo có chức quyền, hay là một người dân bình thường. Sự kỳ thị thể hiện trong những chính sách và sự áp đặt dành cho họ, nhưng mà nếu họ không giải thích, không nói, không cho nhiều người hiểu hơn, thì có lẽ họ cũng sẽ mãi bị kỳ thị mà thôi.

Hơn bao giờ hết, cuốn Bóng là một sự ra đời tích cực, và đúng đắn! Tớ không biết Duy bán được nhiều sách không? Nhưng chắc chắn cuốn này là một trong những sự thỏa mãn của Duy, như đã nói ở mở đầu: “tớ làm sách vì tớ yêu sách, và vì tớ muốn được gửi gắm nhiều điều qua sách”!

*Note: Người “bình thường” ở đây, được hiểu là người có tâm sinh lý yêu đương theo đúng hướng “tự nhiên”, tiếng Anh gọi là “straight”, chứ không có nghĩa rằng bình thường ở việc hành xử và thể hiện!



Bonus thêm “hậu trường cuốn Bóng” từ blog của tác giả Đoan Trang

“Từ sau khi cuốn “Bóng” ra đời, nhân vật chính của tự truyện – anh Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi hay gọi là “dì Dũng” – bỗng trở thành một người “in the news”. Anh thường xuyên được báo chí tìm đến phỏng vấn.

Một đôi lần anh gọi Trang the Ridiculous đi cùng theo kiểu “chị em gái với nhau”, hộ tống cho anh đỡ run. Thực tâm tôi biết anh có phần sợ các nhà báo, anh vẫn bảo giới ấy giống như con dao hai lưỡi. Cực chẳng đã, dằn sự cắn rứt khi bài vở còn một lô chưa viết, tôi đi cùng “dì Dũng” vài buổi, làm ông bầu bất đắc dĩ. Phóng viên hỏi, dì trả lời. Tôi ngồi cạnh, im lìm (trừ lần đóng vai trò phiên dịch trong cuộc gặp với chú Tây làm cho AFP).

Khi những buổi phỏng vấn kết thúc, thường anh Dũng nói phóng viên về trước, còn tôi ngồi lại với anh thêm một lúc. Ánh mắt anh có một vẻ gì đó, mà tôi hiểu anh có điều muốn nói nhưng không dám nói ra…

Sau khi phóng viên đã ra về, câu đầu tiên Dũng hỏi tôi bao giờ cũng là: “Anh trả lời như thế có được không?“. Chỉ khi nào tôi khẳng định: “Được ạ, anh yên tâm“, Dũng mới bắt đầu nói sang những chuyện khác, như khen phóng viên đẹp trai, có duyên chẳng hạn. Anh không cho tôi biết điều gì anh muốn nói mà không dám nói kia. Nhưng sau vài buổi, tôi đã lờ mờ đoán ra điều đó, khi nhớ lại và tổng kết các câu hỏi thường gặp.

Phóng viên VN:

*Vì sao anh lại viết tự truyện?

*Trong tự truyện của anh, có những chi tiết như thế này… thế này… Bao nhiêu phần trăm là sự thật?

*Căn cứ vào tự truyện thì thấy người đồng tính chỉ toàn yêu đương, đánh ghen?

*Anh không hài lòng với tác giả cuốn sách?

*Anh có được đọc bản thảo lần cuối trước khi sách xuất bản không?

*Bạn bè anh phản ứng như thế nào về cuốn sách?

*Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cuốn sách viết về một đề tài câu khách mà thật sự rất ít thông điệp xã hội?

*Anh có nghĩ cuốn sách hơi sến/ đen tối/ nặng nề?

Phóng viên “Tây” ở ta và phóng viên ta ở nước ngoài (tức là Việt kiều):

*Anh muốn nói điều gì qua cuốn tự truyện?

*Giới đồng tính ở phương Tây đã phải trải qua một thời gian dài đấu tranh, để dần có được sự bình đẳng như một công dân bình thường. Chuyện đó xảy ra từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Anh có nghĩ giới đồng tính VN rồi cũng sẽ đi đến giai đoạn đó?

*Anh có thể nói cụ thể hơn về sự phân biệt (nếu có) mà xã hội nhằm vào người đồng tính ở VN?

*Anh nghĩ thế nào về các chính sách của chính phủ đối với một cộng đồng thiểu số – là người đồng tính?

*Người đồng tính ở Việt Nam bị phân biệt đối xử nặng nhất là như thế nào?

*Bây giờ anh mong muốn điều gì?

Người được hỏi và người nghe có thể nhận thấy sự khác nhau giữa các bộ câu hỏi được đặt ra cho Dũng. Phóng viên nước ngoài có xu hướng quan tâm tới các vấn đề vĩ mô, ví dụ thái độ của xã hội, chính sách của Nhà nước đối với người đồng tính. Còn phóng viên VN thiên về các khía cạnh cá nhân của cuộc đời Nguyễn Văn Dũng. Về “lập trường” mà nói thì các câu hỏi của cánh ta xem ra luôn có hàm ý moi móc đời tư và công kích cá nhân Dũng – người đồng tính đầu tiên ở VN ra tự truyện. Nếu khai thác được sự bất hòa, mâu thuẫn nào đó giữa tác giả và nhân vật chính của cuốn tự truyện thì rồ ôi tuyệt vời!

Nhưng… không trách các nhà báo được!

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà báo VN có phản xạ moi móc và công kích Dũng. Những câu hỏi mang chất tấn công ấy còn có mục đích gì ngoài thu thập thông tin thỏa mãn nhu cầu của độc giả.

Tôi nhớ có một đại nhà báo, chị L., dạy rằng chức năng của báo chí là định hướng xã hội. Thưa, em thì em nghĩ khác, em cho rằng báo chí chỉ phản ánh xã hội mà nó phục vụ, chứ định hướng cái — gì. Xin lỗi, chúng em chỉ là phóng viên!

Chúng em hỏi những câu ấy vì chúng em biết chắc rằng dân ta “khát” những thông tin ấy. Chúng em biết dân ta ghét người đồng tính – cái lũ đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, chiếm thiểu số trong xã hội, đã thế lại còn cả gan ra tự truyện – láo thế chứ lậy! Chúng em biết dân ta “háo” những chuyện hậu trường như là tranh cãi giữa tác giả và nhân vật chính. Và tuy chửi truyện đầy tình và sex, đề tài câu khách rẻ tiền thật đấy nhưng cuối cùng vẫn tìm đọc. Vừa đọc vừa chửi (mượn sách đọc thôi, cho nó kinh tế, chứ chẳng mua đâu ạ. Độ 10 người chung nhau 1 quyển photo, ví dụ thế).

Có lẽ vì xã hội như vậy nên việc một người đồng tính ra tự truyện mới thành hiện tượng, đề tài đồng tính mới được xem là “hot”. Chứ ở Anh hay Mỹ chẳng hạn, một anh gay ra tự truyện chắc chẳng ai quan tâm, nói đồng tính là đề tài câu khách chắc bị các publisher và editor cười cho thối mũi. Vì sự kiện ấy khác nào các bác cựu chiến binh ở ta viết hồi ký “Đời hoạt động của tôi”, “Trung kiên và bất khuất”… (Ôi thôi, lại nói nhảm rồi. Sợ rồi. Chả dám nói nữa).


Dì Dũng vốn thích nhạc vàng.

Có một câu hát trong bài “16 trăng tròn” mà Tuấn Vũ biểu diễn, như thế này: “Cuối nẻo phong mờ, nhủ riêng ai đó, tha thiết đợi chờ ngày đêm, tôi sẽ về dệt mơ ước.

Em ơi, khi non nước đang còn mịt mờ bên phương nớ, chuyện đó đừng mơ”.

Anh Dũng thích Tuấn Vũ lắm, chắc anh biết bài hát ấy.

Đôi khi nghe anh nói chuyện “quyền bình đẳng của người đồng tính như một công dân bình thường”, tôi cũng muốn cười hì hì mà nói với anh rằng: Anh ơi, khi đất nước đang còn mịt mờ, đầy định kiến, chuyện đó đừng mơ.”



Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Vườn xưa

Có nhiều khi, từ trong tiềm thức bật ra một điều gì đó, có thể là do một yếu tố gợi nhớ nào đấy, cũng có thể là do mình yêu thích điều gì đó, và nó hằn sâu trong tiềm thức, ngũ yên, chờ, và có dịp là lại bật ra.

 

Sáng nay, se se lạnh, những chiếc lá vàng rơi đầy, xạc xào những nẻo trong công viên trên đường mình đi qua, bài hát "Em đến thăm anh đêm 30 , còn đêm nào vui bằng đêm 30, anh hỏi nguời phu quét đường, xin chiếc lá vàng - LÀM BẰNG CHỨNG YÊU EM " - đã bật ra trong đầu như thế, lẩm nhẩm ư ử như 1 gã điên.

Hay thật đấy nhỉ ? Chỉ những nguời yêu nhau mới viết được như thế, xin chiếc lá vàng - không phải là lá xanh đang thắm nữa - để tặng nhau... Một đoạn ca từ như ẩn ngôn, súc tích và trầm lắng....

 

Photobucket

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Đào phai

Mỗi mùa hoa, một vẻ đẹp khác nhau. Qua mùa Dã quỳ, ta hẹn về mùa Mai anh đào tháng chạp. Mấy năm rồi nhỉ ? Từ dạo ấy đến giờ ? Tất cả đã qua đi, người xưa đã không còn trong kí ức... Duy, chỉ còn lại vẻ đẹp lộng lẫy của mùa hoa năm ấy, khi mà Mai anh đào và Phượng tím khoe sắc cùng 1 lúc.

Từ dạo ấy đến giờ, giờ thì Mai anh đào và Phượng tím đã được trồng nhiều hơn năm ấy. Đà Lạt, ta hẹn ngày về thăm lại một mùa hoa. Người có nhớ lời hẹn, cùng ta về tháng chạp mùa hoa ?

 

Photobucket
 
Bonus ( mùa hoa năm ấy, Walk chụp...)
 
Photobucket
 
Photobucket
 
Photobucket 
 
Photobucket   
Photobucket  
 
Photobucket
 
Photobucket
 
Photobucket
 
Photobucket

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Thuỳ dương

Ngẫu nhiên khi search trên Youtube và thấy bài hát "Nha Trang ngày về", mình  mê bài hát này, nó không chất chứa sự tuyệt vọng vì tình, cũng không phải là lời thở than về mất mát.... Mà như một lời thủ thỉ, một tự sự cho chính cái tôi với xen kẻ những lời tự trách. Mình cứ nao nao khi cái câu " Chỉ còn tôi trên bãi khuya khóc nguời tình - Dã tràng ơi, sao lấp cho vơi sầu này", vì, chợt nhớ tới câu ca dao "Dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì !".
Bài này, mình chỉ thích nghe duy nhất Lệ Thu hát, giọng của chị ấm và thâm trẩm chớ không nặng về rên rỉ như Ý Lan hay Khánh Hà,pha một chút ngậm ngùi, thương thương nhớ nhớ , điên điên rồ rồ...
Và , mình bật ra tứ thơ này....
 
 
Photobucket
 
Bonus :
 
 

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Đợi

Buổi sáng,
những trận gió se lạnh quắt quay nguời.
Con đường mình đi làm có nhiều dài những bóng cây rợp xanh man mác. Thành phố đang chuyển mình hay trời đất đang vào mùa mới ?  Không khí Giáng Sinh đang nô nức đâu đây, thổi vào trong từng ngọn gió, tô đẹp những gian hàng đang bắt đầu trang hoàng mùa lễ hội Noel.
Và cội mai vàng nơi mình làm , mùa này bỗng bừng ra những đoá vàng  - bông mai mùa lạnh ...
Bổng dưng, bài hát "Cô hàng nước" văng vẳng trong cái đầu - Anh còn , còn có mỗi, mỗi cây đàn. Anh đem là đem bán nốt, anh theo cô là theo cô hàng , hàng cà phê... - Hehehe, thấy mình sao nhí nhảnh dễ sợ, và bật ra mấy câu thơ này, hihihi...
 
 
 
Photobucket

Ngóng

Photobucket

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Ngượng

1.
Bác sĩ hỏi " Có nhậu nhẹt nhiều không ? Hay chỉ thỉnh thoảng ?"
- Dạ không, hơn 20 năm nay không đụng đến 1 chút bia rượu dù chỉ là nhấp môi.
" Tốt lắm, Lý do?"
- Hì, tại vì trước đó nhậu dữ quá nên bị xuất huyết bao tử và suýt bị cắt bỏ 1 phần.
" Có hút thuốc lá không ? Có cà phê không ? Bình quân 1 ngày bao nhiêu điếu, bao nhiêu ly ?"
- Dạ, hơn 2 gói, hơn 5 ly, hì.
Bác sĩ trợn mắt, "Phải bỏ hoặc giảm bớt đi anh bạn ạ. Trẻ thì khác, nhưng tuổi này thì như thế là quá nhiều".
 Vậy đó, trái tim đã bắt đầu lão hoá rồi !
"Đơn thuốc 7 ngày nhé, uống hết quay lại tái khám xem sao".
Vậy đó, dạo rày tự nhiên trống ngực đập liên hồi và hơi nhói đau... Chỉ là 1 bệnh lý, nhưng liệu nó có còn mảnh liệt để yêu và được yêu không nhỉ ?
Và, nó có còn biết mắc cở hay ngượng nữa không ? Có lẻ có, vì hơn 10 ngày nay rồi, tin nhắn gửi đi mong được gặp dù chỉ nhìn nhau, nhưng phản hồi chỉ là những lý do thoái thác...
Kệ, yêu thì vẫn cứ yêu, đúng không nhỉ ?
 
 
 
2.
 
 
 
Photobucket

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Xin còn gọi tên nhau

Photobucket
 
 
Chợt nhớ, nhớ tha thiết, dù biết rằng tình cũ đã chết thật rồi. Trái tim mình còn chút nào bồi hồi để rung động trước người mới, có bâng khuâng xao xuyến và lẫn đợi chờ ???
 
Bài hát này nghe lâu lắm rồi mà thời gian hình như không có tuổi. Nếu mà nghe lại bài hát này vài năm trước, chắc là sẽ bần thần suốt mấy ngày, vì kí ức sẽ quay về và hành hạ... Nhưng bây giờ, nghe lại, chỉ thấy man mác một trời thương, thương cho anh, tiếc cho em, tình anh trao mà em không biết giữ và dối gian chao đảo xác thịt đã cuốn em về phía không anh... Tình chết thật rồi, mình thấy an tâm để cất bước vào một thế giới mới.
 
Ở nơi đó, chỉ cần khoảng gần một giờ xe chạy, trái tim mình sẽ rung lên bao cảm giác ngất ngây không thể nói thành lời. Mà đâu cần những ngữ ngôn vô ích, chỉ cần 2 bàn tay nắm lấy nhau, đã cảm nhận rất rõ về nhau...
Có lẻ, anh yêu em thật rồi, em ạ...
 
 
 
XIN CÒN GỌI TÊN NHAU
 
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình
Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ

Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi
Rồi trong mưa gió biết ai vỗ về
Bàn tay nào đưa em trong lần vui
Bằng những tiếng chim non thì thầm
Cho ngày tháng ưu phiền em quên

Tình trong cơn ngủ mê
Rồi phai trên hàng mi
Chợt khi mình nhớ về
Mộng thành mây bay đi
Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình
Cho tình càng thêm say

Tiếng hát ru em còn nuối trên môi
Lời nào gian dối cũng xin qua rồi
Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau
Còn nuôi chút êm vui ngày đầu
Cho mình mãi gọi thầm tên nhau...

 Tác giả - Trường Sa - Singer - Lệ Thu
 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Tấm lòng

Nhà sư “Thị Kính”

TT - Nhà sư trẻ nựng nịu hôn lên má “con” trước bao cặp mắt gièm pha. Có người xỉ vả “sư hổ mang” tằng tịu trai gái mà còn trơ mặt đem con về chùa. Nhiều người đã muốn đuổi sư ra khỏi chùa. Nhưng sư vẫn lặng lẽ chịu khổ nhục cưu mang “con”... Đó là một câu chuyện có thật chứ không phải sự tích “Quan Âm Thị Kính”.

 
Photobucket
 
Một đêm tháng 1-2008. Trời se sắt lạnh. Chùa Thanh Tâm (xã Tân Tiến, Đồng Phú, Bình Phước) đang trầm mặc lời kinh tụng thì bất ngờ bị ngắt ngang bởi tiếng khóc oe oe của trẻ thơ. Sư thầy Phạm Minh Tâm (pháp danh Thích Chiếu Pháp) cùng mấy chú tiểu vội vã chạy ra và bất ngờ nhìn thấy một bé trai sơ sinh nằm trên cái nia bên hiên nhà thuốc nam của chùa. Vừa được thầy Tâm bế vào lòng, bé liền ngừng khóc. Lúc đó hơn 21g, trời tối đen như mực. Không ai hay biết chuyện xảy ra trước cổng chùa.
 
Tiếng khóc trước cổng chùa
Bế bé vào phòng mình, thầy lặng nghĩ không biết mình và bé có nhân quả, duyên nợ gì từ kiếp trước. Càng nghĩ thầy càng thương và nhủ lòng sẽ cưu mang bé với hi vọng ngày nào đó cha mẹ quay lại tìm con. Suốt cả đêm thầy không ngủ được. Thầy sợ bé lạnh, bé đói vì thiếu hơi ấm và sữa mẹ nên chốc chốc lại đun nước pha sữa cho bé bú...
Sáng hôm sau thầy Tâm mời các cán bộ xã Tân Tiến đến báo cáo sự việc. Rồi thầy cho người đi mua tã lót, sữa, phấn... cho bé, đồng thời gửi ngay tin lên báo đài Bình Phước xem có ai nhận con không. Nhìn rốn bé, cán bộ y tế xã cho biết bé mới 3-4 ngày tuổi. Sau một tháng không tin tức gì, thầy Tâm làm khai sinh cho bé là Phạm Minh Tiến.
“Sư thầy thương yêu bé như con, chăm lo từng li từng tí” - cô Ngân, một phật tử ở huyện Phước Long, cho biết. Mỗi đêm thầy thức đến 4-5 lần cho bé uống sữa, quấn tã... Và bé Tiến dần lớn lên khỏe mạnh, kháu khỉnh. Ở chùa nhưng bé không ăn chay. Thầy Tâm nhờ người mua thịt cá về làm thêm thức ăn cho bé, vì sợ bé suy dinh dưỡng trong giai đoạn đang lớn nhanh.
Nhưng lúc này lời gièm pha cũng rộ lên. “Tại sao trong chùa lại có đứa bé được thầy Tâm nựng nịu suốt ngày? Chùa mà lại mua thịt cá? Chắc nhà sư mới 37 tuổi này đi hoang ở đâu rồi bày chuyện để nuôi con?...”. Ngôi chùa cô tịch, nằm sâu hút trong vườn điều giờ không còn yên tĩnh với những đồn đại đáng sợ. Họ nói xấu thầy ngoài đường, ngoài chợ, thậm chí cả ở một số chùa khác. Nhiều tín đồ thường xuyên cúng Phật ở chùa Thanh Tâm đã quay lưng với chùa.

Nước mắt hối lỗi

Cha mẹ bé Tiến quen nhau từ lúc còn là học sinh và hiện là sinh viên năm 3. Lúc sinh bé vào năm thứ nhất đại học, họ âm thầm bán điện thoại di động để trả viện phí. Người mẹ bị băng huyết phải cấp cứu nhưng vẫn không dám báo gia đình. Người cha đi xe máy chở bé từ TP.HCM về Bình Phước đặt trước cổng chùa, rồi núp nhìn cho đến lúc thấy thầy bế bé vào. Khi nhận lại con, cả hai đã bật khóc hối lỗi trước con và thầy Tâm.

Trong lúc đó có một cô gái xinh đẹp từ Phước Long cứ đi lại chùa để được gần gũi bé. Thế là những nghi ngờ “sư hổ mang” càng nặng nề hơn. Nó lan ra các huyện ở Bình Phước, thậm chí đến tận các địa phương xa xôi. Bao tâm nguyện, nỗ lực xây dựng chùa của thầy Tâm bỗng chốc như khói hương. Nhưng thầy vẫn lặng lẽ không giải thích, không kêu oan và ngày càng yêu thương bé Tiến hơn!
Vượt qua oan khổ
Chuyện bùng nổ vào giữa năm 2009. Bà Ngô Tuyết Sương, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Tiến, kể: “Lúc này đơn thưa đã lên Mặt trận Tổ quốc huyện, các ban ngành tỉnh. Họ làm rùm beng đến mức phải lập đoàn công tác xác minh”. Cả công an cũng về chùa làm việc. “Tôi nghĩ mình không làm gì sai nên lòng vẫn thanh thản - thầy Tâm nói - Nhưng đến mức này chuyện quá căng thẳng có thể ảnh hưởng đến uy tín chung của giới tu hành. Tôi phải cam kết nếu đi thử ADN mà phát hiện điều gì thì tôi mất hết danh dự, không còn xứng đáng là nhà tu nữa”.
Đoàn công tác họp dân để làm sáng tỏ và có văn bản trả lời người đi thưa rằng họ không có căn cứ. Nhưng chuyện vẫn chưa yên. Có lần trước mặt một nhà sư trên tỉnh về họp dân, vài người vẫn chỉ vào thầy Tâm mà nguyền rủa, phỉ nhổ. Làm đại biểu hội đồng nhân dân huyện, thầy càng đau lòng khi tiếp xúc cử tri mà phía dưới đầy những tiếng xì xào. Thậm chí ngay trong chùa, ba đồng môn cũng đã bỏ ra đi vì nghi ngờ...
Bất chấp nỗi oan khổ, thầy Tâm vẫn hết lòng nuôi nấng bé Tiến.
 
Nước mắt nhà sư
Đến tháng 9-2009, một người biết chuyện cha mẹ bé Tiến vì hoàn cảnh mà gửi con mình lên chùa nên đã báo ông bà nội bé. Ông bà đến chùa ngay và sững sờ: “Lúc đó tôi bị sốc - bà nội bé cho biết - vì mới nhìn thấy lưng bé tôi biết ngay là cháu mình. Nó giống con trai tôi như đúc”. Gia đình hồi hộp, cảm động. Còn thầy Tâm cũng rất xúc động khi trả bé: “Chỉ nhìn cách họ âu yếm bé, tôi linh cảm cháu đã tìm được đúng cha mẹ, ông bà!”. Đến giờ thầy Tâm vẫn rơm rớm nước mắt kể rằng thầy vừa vui vừa buồn lúc trả bé. Thầy vui khi bé đã được người ruột thịt yêu thương. Nhưng thầy cũng buồn vì thầy và bé đã quấn quýt bên nhau như cha con gần hai năm.
Ngày bé Tiến về gia đình được tổ chức đúng vào lễ Vu lan báo hiếu năm nay. Bà Lan, người dân ở xã, cho biết: “Trời Phật ơi, đời tôi chưa bao giờ được chứng kiến lễ Vu lan cảm động như thế!”. Hơn 1.000 người tới ngôi chùa nhỏ chứng kiến. Ông nội bé Tiến nói lời biết ơn chân thành với nhà sư Minh Tâm, nhất là nỗi oan thầy phải gánh. Chỉ thế thôi mà gây xúc động bao người. Lễ Vu lan cũng là lễ giải oan cho thầy. Nhiều người ngày trước nói xấu thầy giờ đã bật khóc!
Rồi cũng chính thầy hết lòng giúp làm đám cưới cho cha mẹ bé. Đó là điều kiện thầy buộc họ phải thực hiện khi nhận con. Thầy lo về sau họ không ở với nhau thì bé sẽ khổ.
Giờ đây căn phòng đơn sơ ở chùa chỉ còn lại mấy chiếc gối nhỏ và những vỏ hộp sữa nuôi trẻ xếp bên tường. Nhà sư trẻ bùi ngùi: “Nhớ những đêm trong phòng chỉ có thầy trò với nhau, bé cứ bò qua lại trên người tôi nói bi bô. Khi bé biết đi, thấy tôi đi đâu về cũng chạy ra ôm và kêu to sư phụ, sư phụ”. Giờ đây căn phòng chỉ còn lại mình thầy.
Tâm sự đời mình thầy Tâm rất kiệm lời. Thầy chỉ kể quê nghèo của mình ở Vĩnh Long và từng là sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng đến năm tư thì thôi học để xuất gia. Thầy trụ trì chùa Thanh Tâm được mười năm...
Buổi chiều, nắng vàng hoang hoải sân chùa. Thầy xin đón bé Tiến từ nhà ông bà nội về chơi cho đỡ nhớ. Thầy nựng nịu, cõng bé chạy loanh quanh dưới hàng tượng Phật. Bé bi bô, nghịch ngợm đầu thầy. Tiếng cười hồn nhiên vang vọng sân chùa. Nhìn hai chiếc bóng quấn quýt bên nhau mà càng hiểu lòng thầy: “Mỗi người chúng ta đều có thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước. Hãy lấy tình yêu thương mà bước qua sự khổ đau, oán hận...”.
VŨ THANH BÌNH - QUỐC VIỆT (Nguồn: Tuổi Trẻ online)

Chuyện xưa chuyện nay

Sự tích Quan Âm Thị Kính là một câu chuyện quen thuộc với người VN: Ngày xưa, có một người con gái tên là Thị Kính, có chồng là Thiện Sĩ. Trong một lần chồng ngủ, Thị Kính sẵn dao nhíp đang ngồi may vá bèn đưa lên cắt sợi râu mọc ngược trên mặt chồng. Chẳng may chồng thức giấc và cho rằng Thị Kính tính giết mình. Không giải được nỗi oan này, Thị Kính bèn quy y. Trớ trêu là sư cụ chùa Vân Tự không biết nàng là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt tên là Kính Tâm.

Trong làng có Thị Mầu, con gái một phú ông, tính tình trăng hoa. Mầu tư thông với một người đầy tớ trong nhà, mang thai và bèn đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Thị Mầu sinh con trai và đem giao cho Kính Tâm. Động lòng từ bi, nàng lo nuôi nấng đứa bé hết lòng. Kính Tâm cũng chịu vô vàn tiếng cười chê của người đời nhưng đã vượt qua và đến khi chết nỗi oan mới được giải. Khi làm đàn giải oan cho Thị Kính, Phật đã hiện ra và cho Thị Kính làm Phật Quan Âm.

Ngày nay, chuyện của sư thầy Thích Chiếu Pháp cũng không khác xưa là mấy...

Photobucket

 

Notes : Tấm lòng của nhà sư và bài viết thì rất xúc động, chỉ có 1 điều duy nhất mà Walk hơi phân vân khi xem tấm hình trên - 1 nhà sư nhưng sao lại có tiền nhiều thế, nuôi trẻ bằng sửa xịn rất đắt tiền, 1 hộp như vậy phải mấy trăm ngàn !!! Không biết là do bàn tay dàn dựng để lấy hình của nhà báo hay là cái gì ? Thêm 1 điểm nữa là các hộp sửa qua 3 năm nuôi trẻ nhưng sao tất cả xếp chồng xem còn rất mới, giống như là hàng trưng bày trong siêu thị ?  phải rỉ sét chứ, phải móp méo hay này nọ chứ.... Hay là nhà báo dàn dựng chụp hình tay nghề còn kém, đến nỗi tấm hình bôi bác 1 tấm lòng ???

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Đi tiếp

Photobucket
 
 
Hình như là giao mùa.
Cái lạnh se se đầu mỗi ngày, buổi sáng sớm trên đường đi làm nghe lòng man mác. Buồn thì không phải buồn, nhưng 1 chút thú vị, 1 chút xuyến xao, 1 chút bâng khuâng, hoà lẫn với 1 chút tiếc nuối về mất mát cái gì đó không rõ , khiến lòng chùng xuống nhưng không trĩu nặng.
Cũng như khuya chủ nhật vừa rồi, lên xe chợt thảng thốt vì Đà Lạt đêm ấy sương mù nhiều quá, những ngọn đèn đường vàng vọt càng trông buồn tênh trong ánh sương mù, nhưng, xe chuyển bánh thì lại thấy cả 1 bầu trời sao vằng vặc. Giấc ngủ trên xe - chặng đường dài ập đến không mộng mị mà ấm áp vô cùng.
Hơn bảy năm, ngắn hay dài trong một đời người nhỉ ? Hơn bảy năm, lòng mình cứ đau đáu 1 câu hỏi mà không dám trả lời, vì sợ chạm vào nỗi đau của chính mình. Tình đã chết hay vẫn còn âm ỉ cháy cứa rát trái tim ? Và, mình sợ, sợ đến nỗi không dám quay về thăm lại Đà Lạt, sợ những kỉ niệm dấu yêu sẽ làm mình quỵ ngã lần nữa kể từ khia chia tay năm ấy…
 
 
Photobucket
 
 
Nghe đứa em nhắn, mùa cúc quỳ đã về sớm, thèm lại chút hanh hao ngắm hoàng hoa trong nắng lạnh. Vậy là, quyết định trở về. Dường như quyết định này không phải là vội vã, mà nó đã chín mùi từ rất lâu, trong nỗi khao khát với tình yêu của hồn đất Đà Lạt. Có vội vã chăng chỉ là gom vội hành lý buổi chiều sau khi tan sở làm, nhét đầy 1 ba lô khoác áo lên xe….
Trở về, mình cố tình quay trở lại tất cả những chốn xưa ăm ắp kỉ niệm. Thậm chí, cố ý đi ngang qua ngôi nhà củ của người ấy :
Hoa đào năm ngoái còn cuời gió đông….
Thụy bây giờ về đâu ?
Chỉ là những câu hỏi và mình không cần thiết tìm câu trả lời nữa…
 
 
Photobucket
 
 
Tình đã chết và tình đã hết ! Hết thật rồi, lòng không còn đau rát nữa mỗi khi ký ức ùa về…
Thế rồi, trên chuyến xe trở về của ánh đèn vàng vọt trong sương mù và bầu trời sao vằng vặc, mỉm cười vì biết rằng mình đã có đủ thanh thản để đi tiếp, tìm kiếm niềm hy vọng mới, và chắc chắn là sẽ không ray rứt với nguời , người đang tìm hiểu, để yêu thương và được yêu thương…
Đi tiếp, cuộc đời đó có bao lâu mà hửng hờ….
 
LÊN ĐẦU TRANG