.
Chiều nay, có việc đi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đến công viên Hoàng Văn Thụ, nguớc nhìn 1 khoảng trời xanh ngát , chợt thắt lòng, trái tim buốt đau bóp chặt, phải tấp vội vào lề đường để thở và bình tỉnh lại.
Khoảng trời xanh ấy, chiếc Boeing 747 cất cánh bay đang chuyển huớng và tăng tốc về 1 phương trời xa. Tôi thắt lòng khi thảng thốt nhớ lại ngày đưa tiển. Bé Ti, ngày con đi qua đất lạ, ông cũng đau nức nở mà khong dám để lệ rơi, cứ cuời tuơi và đùa cho con vui, nén lòng ghê lắm vì ông biết , khi ông khóc lúc xa con thì con sẽ không chịu vào phòng cách ly cùng cha mẹ.
Con vào phòng cách ly, ông phải trốn, chỉ kịp vội hôn con rồi quay đi không dám nhìn theo. Lúc ấy, nuớc mắt lả chả rơi. Mọi nguời ra về, ông vẫn ở lại, nấn níu ngóng ra sân bay, chỉ đến khi chiếc Boeing chuyển hướng ra đường băng, ông quỵ xuống và gọi tên con.
Chiều nay, cũng bóng chiếc Boeing ấy, nỗi đau xa con lại ùa về, quá sức chịu đựng của ông rồi. Ông nhớ con quá dù đã gần bảy tháng con xa ông.
Bảy tháng có đủ để làm vơi đi nỗi nhớ hay không ? Mà sao vẫn còn nguyên vẹn như thế !
Có lẻ , trong mấy đứa cháu, ông chín thương con và anh Tin nhất. Hai anh em bạn dì mà còn hơn ruột thịt, cả hai đều là con đầu lòng mà bên ngoại bắt về nuôi cho bà cố vui lúc tuổi già bóng xế. Ai không xé ruột và cầm được nuớc mắt nếu thấy cái cảnh con mới 14 tháng tuổi cùng anh Tin mang vành khăn tang trắng quỳ lạy bên linh cửu của bà cố ngày bà cố từ trần. Cả hai anh em quỳ lạy mà khóc, không khóc thành tiếng mà nuớc mắt chảy ròng ròng...
Ông nhớ con, đứa trẻ buớng bỉnh mà rất thông minh, ít nói mà rất biết nghe lời khi nguời lớn phân tích cái sai trái của con. Mỗi khi con quậy phá hay làm điều gì sai trái, để ông la rầy và phạt bằng cách cấm nói chuyện với ông 1 thời hạn, con rất khôn ngoan, biết lỗi mà không căm ghét hay phản ứng theo kiểu của trẻ con. Con chỉ im lặng tìm mọi cách để ngồi kế bên ông, rồi tìm cơ hội để bất chợt ôm chầm lấy ông mà hôn và nói thỏ thẻ " Ti ngoan, Ti xin lỗi ông, nói chuyện với Ti đi"... Ôi con, bé Ti, ai mà nở giận con cho được chứ?
Ngày đầu tiên đi học Mẫu Giáo, con rất dũng cảm, không hề khóc nhè, duy chỉ có nét mặt là xanh lét vì hồi hộp. Đưa con đến lớp, con không giảy khóc mà chỉ im lặng ôm chặt ông, bắt ông hứa phải đón bé Ti sớm và thề không bỏ bé Ti, ông hứa, ông thề, con yên tâm và đi thẳng vào lớp với cô .
Những ngày sau, con hay tìm cớ khóc truớc khi đi học để ông xiu lòng mà cho ở nhà. khóc tu tu , đòi lấy cho Ti cái khăn lau nước mắt mà chẳng có 1 giọt nuớc mắt nào, khóc ăn vạ... Biết ông cương quyết, con đành leo lên xe và nói hoài ông chín ác lắm, ông chín ác lắm...
Ôi con, bé Ti của ông...
Sáng nay, con gọi phone về và nắng nặc đòi phải cho Ti nói chuyện với ông chín, Ti nhớ ông chín, con dó biết lời của con làm ông nát tan lòng dạ hết không ? Ông đi làm mà suốt ngày chỉ nhớ đến con. Mẹ con nói lại, ở bên đó, nghe tiếng ông chín qua phone, nuớc mắt con chảy, thì bên này, ông cũng khóc mà con, Bé Ti à...
Con đã bắt đầu đi học Kindergarten rồi, để chuẩn bị vào Primary school năm tới. Mẹ con kể là con rất sợ và lần nào cũng nhắc "Ti đi học nhớ ông chín quá, ông chín chở Ti đi học bằng xe máy, ông chín cho Ti ăn sáng và ...". Con bắt mẹ của con phải hứa là không được phone kể cho ông nghe việc Ti đi học đã khóc nhè vì sợ, phải nói là Ti đi học giỏi giống như lúc đi học với ông chín. Con kể qua phone , trong lớp cô giáo đẹp như búp bê Barbie, có 1 bạn VN nhưng bạn VN xấu, Ti muốn đánh mấy lần mà tội nghiệp nên tha vì chỉ có bạn ấy biết nói tiếng Việt. Con nói bạn Mỹ bự con mà nhát, rất thích con, nhưng Ti chưa biết nói chuyện, chỉ Yes hay No đại mà mấ bạn đó cũng khoái, khoái vì Ti dạy mấy bạn đó mấy trò chơi học ở VN....
Bảy tháng, thời gian vẫn chưa đủ để làm con quên quê ngoại với nguời thân. Bảy tháng, đủ để con xem hết mấy album phim cổ tích mà ông kỳ công đi tìm mua theo yêu cầu của con để con mang qua Mỹ xem.
Ông lại tiếp tục săn tìm phim cổ tích mới để gởi qua cho con, xa con nhưng ông mừng vì con đã không quên nguồn cội, xa con, ông đếm từng ngày để chờ con quay về thăm, Ti ơi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét